Trong thời buổi sách được số hóa cùng sự nở rộ các loại hình giải trí, việc thu hút bạn đọc nói chung, bạn đọc nhỏ tuổi nói riêng tại hệ thống thư viện trong tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức. Vấn đề này đòi hỏi những người làm công tác thư viện phải đổi mới cách tiếp cận sách cho bạn đọc, xây dựng môi trường hấp dẫn để thúc đẩy văn hóa đọc trong thiếu nhi.
Cán bộ Thư viện tỉnh thực hiện chuyển dữ liệu sách lên hệ thống sách điện tử để phục vụ thiếu nhi và bạn đọc. |
Tạo sự ham thích đọc sách
Chiếc xe tải được trang trí nhiều màu sắc chở theo đủ loại sách, máy tính tra cứu sách đã trở thành hình ảnh quen thuộc với nhiều người, nhất là thiếu nhi đến vui chơi trên Quảng trường Hùng Vương. Sự có mặt đều đặn của thư viện lưu động vào mỗi chiều thứ ba, thứ năm và thứ bảy hàng tuần không chỉ đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em mà còn góp phần làm phong phú các hoạt động giải trí tại đây.
Em Nguyễn Trọng Nhân (phường 7, TP. Bạc Liêu) - một bạn đọc “thân thiết” của xe thư viện lưu động, chia sẻ: “Sau giờ học, em thường được cha mẹ chở đến Quảng trường để đọc sách. So với thư viện trường học, việc đọc sách tại xe thư viện lưu động cho em nhiều thích thú vì tạo được không gian mở, các loại sách cũng phong phú hơn. Dần dần, hoạt động này đã hình thành cho em thói quen đọc, cũng như trở thành điểm hẹn của em và các bạn cùng lớp để cùng nhau giải trí, trang bị thêm những kiến thức phù hợp với lứa tuổi của mình”.
Không chỉ có trẻ em thành thị, xe lưu động của Thư viện tỉnh cũng thường lăn bánh về những vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số để đưa ánh sáng tri thức đến với mọi trẻ em. Tại đây, ngoài phục vụ sách, Thư viện tỉnh còn lồng ghép tổ chức các hoạt động tương tác với sách. Nhờ đó, các buổi ngoại khóa về sách ở các trường nông thôn ngày càng sôi nổi, với nhiều hoạt động tạo được sự hào hứng cho học sinh.
Giám đốc Thư viện tỉnh - Lưu Thị Hồng Liễu - chia sẻ: “Trước yêu cầu đổi mới của văn hóa đọc, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở đang không ngừng làm mới mình bằng cách đa dạng hình thức phục vụ theo hướng lấy thiếu nhi làm trung tâm. Bên cạnh việc thường xuyên luân chuyển sách mới về tuyến cơ sở, hoạt động xe sách lưu động đã tạo sân chơi bổ ích giúp các em có thêm kiến thức, khơi dậy sự đam mê, chủ động tìm đến với sách, cũng như nâng cao nghiệp vụ phục vụ bạn đọc “nhí” cho cán bộ thư viện trong các trường học”.
Thiếu nhi đọc sách trong xe thư viện lưu động. Ảnh: H.T - T.M. |
Số hóa cách tiếp cận sách
Mặc dù có nhiều mô hình hay, song Thư viện tỉnh nhận thấy với sự thay đổi này vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để các em tìm đến với sách. Vì thế, số hóa phương thức tiếp cận sách được bắt tay thực hiện dựa trên khai thác những ưu thế của các nền tảng công nghệ và mạng xã hội.
Bước đầu, thư viện chọn một số bản sách phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi và có lượt đọc cao để xây dựng ngân hàng sách điện tử và hướng dẫn các em tra cứu tài liệu, sách báo trên máy tính. Hoạt động này đã được mở rộng tổ chức xuống các trường học nông thôn để dần thay đổi thói quen đọc sách truyền thống, nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm sách. Đặc biệt, việc giới thiệu những quyển sách hay và mở các chuyên mục “Đọc sách cùng bạn”, “Kể chuyện thiếu nhi” trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo đã góp phần tạo thêm nhiều kênh thu hút bạn đọc, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa của sách đến thiếu nhi.
Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số tại thư viện các cấp trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do trang thiết bị công nghệ thông tin vừa thiếu, vừa yếu. Trong đó, phần mềm liên thông đã xuống cấp nên tỉnh không thể luân chuyển sách điện tử xuống cơ sở. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngành Thư viện ít được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ ứng dụng công nghệ thông tin nên quá trình số hóa còn nhiều hạn chế.
Chính vì vậy, hệ thống thư viện trong tỉnh rất cần sự quan tâm đầu tư để có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số, góp phần phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc, trong đó có đối tượng thiếu nhi.