Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thế giới sách' của người làm báo

Hơn 100 tựa sách của các tờ báo, nhà báo của Việt Nam sẽ được giới thiệu tại “Tuần lễ Sách của Người làm báo” từ ngày 17/6 đến ngày 22/6 tại Đường sách TP.HCM.

Ngay nha bao Viet Nam anh 1

Thư viết từ Hà Nội của nhà báo Tô Minh Nguyệt là một trong những cuốn sách sẽ được giới thiệu tại "Tuần lễ Sách của Người làm báo". Ảnh: Thanh Trần.

Người làm báo, với vai trò là “thư ký của thời đại”, lâu nay đã trở nên quen thuộc với bạn đọc thông qua những trang báo. Nhưng chưa dừng lại ở đó, họ còn là những cây bút có đóng góp không nhỏ cho ngành xuất bản với những tác phẩm có giá trị thuộc nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, chính trị, văn hóa cho đến những tác phẩm văn chương, thơ, sách thiếu nhi…

“Lần đầu tiên tổ chức Tuần lễ Sách của Người làm báo, không ngờ số lượng nhà báo là tác giả sách lại đông đảo đến vậy. Đây cũng là một nguồn lực tác giả cho ngành xuất bản và nguồn lực của thành phố trong phát triển văn hóa đọc”, ông Trịnh Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chia sẻ trong buổi họp báo sáng ngày 6/6.

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - thế giới sách của những người làm báo sẽ có những cái rất riêng, khác biệt so với những thế giới sách khác. Họ có những lợi thế mà nghề nghiệp mang lại như nắm bắt thời sự nhanh, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với con người và văn hóa thuộc nhiều vùng miền, nhiều giới, và đặc biệt, họ cũng là những người tiếp cận được nguồn tin phong phú, có giá trị… Những điều đó đã làm nên sự khác biệt trong tác phẩm của những người làm báo.

Ngay nha bao Viet Nam anh 2

Một số tựa sách của các tờ báo, nhà báo Việt Nam đã xuất bản. Ảnh: Thanh Trần.

Tuần lễ sách của Người làm báo

Để tôn vinh những đóng góp của người làm báo cũng như góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, “Tuần lễ sách của Người làm báo” sẽ được tổ chức từ ngày 17/6 đến 22/6, trưng bày, giới thiệu sách của các tờ báo, nhà báo của Việt Nam.

Có khoảng 128 tựa sách dự kiến sẽ được trưng bày tại Đường sách TP.HCM và nhiều chương trình giao lưu giữa các nhà báo và độc giả. Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam - Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Báo Thanh Niên và Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).

“Ít nhất qua lần giới thiệu sách này chúng ta sẽ thấy được những đóng góp của các nhà báo cho văn hóa đọc. Bởi vì bản thân những nhà báo cũng đã đến với bạn đọc thông qua các trang báo, với những cuốn sách thì sức lan tỏa sẽ lớn hơn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng cần phải tôn vinh, khuyến khích các nhà báo, ngoài việc viết báo, có thể tập hợp chúng thành những cuốn sách”, ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam - chia sẻ.

Ngay nha bao Viet Nam anh 3

(Từ trái sang) Ông Dương Vũ Thông, Lê Hoàng, Trần Trọng Dũng, Trịnh Hữu Anh, Nguyễn Ngọc Toàn tại buổi họp báo. Ảnh: Thanh Trần.

Đây là dịp hiếm có để độc giả giao lưu với các nhà báo nổi tiếng trên lĩnh vực báo chí, tìm hiểu quá trình sáng tác, những góc nhìn, trăn trở của người làm báo.

“Việc viết sách với việc làm báo của tôi là hai câu chuyện độc lập. Tôi không viết sách với tư cách là một người làm báo, những như không làm báo với tư cách là một người viết sách. Tôi ngạc nhiên khi biết về hoạt động này, nó thú vị ở chỗ là sẽ cho độc giả thấy được rằng ngay cả ở trong giới làm báo thì cách thức tiến vào thị trường sách của họ đã khác nhau, mối quan tâm về đề tài cũng như định nghĩa của họ trong câu chuyện trở thành một nhà văn. Trong sự đa dạng đó độc giả sẽ thấy được sự phong phú của báo chí cũng như sự phong phú của các đề tài làm sách ở Việt Nam hiện nay”, nhà báo Trần Vương Thuấn tâm sự.

Khác với trên mặt báo, nơi thông tin thường phải cập nhật rất nhanh theo dòng thời sự, việc viết sách đem lại cơ hội cho các nhà báo được chậm lại. Qua những tập sách đó, bạn đọc có thể tiếp cận được những thông tin, kiến thức, tư liệu một cách có hệ thống, đồng thời thấy được những tâm tư, quan sát, đúc kết mà nhà báo chưa có dịp thể hiện trên trang báo.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập báo Thanh Niên - cho biết tòa soạn có nhiều hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa đọc như: Khuyến khích, giúp đỡ các nhà báo tập hợp tác phẩm của mình, đồng thời phát động các cuộc thi viết trên báo, mở chuyên mục sách hay…

Ông Trần Trọng Dũng cũng cho biết trong thời gian tới, một số trại viết văn sẽ được tổ chức để các nhà báo được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các nhà văn nổi tiếng.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Phát động tham gia Tuần lễ sách của người làm báo

Chào mừng kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), hoạt động trưng bày, giới thiệu sách của các cơ quan báo chí sẽ diễn ra tại Đường sách TP.HCM.

Phó thủ tướng: 'Báo chí cần thực hiện tốt vai trò, vũ khí sắc bén'

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn cơ quan báo chí bám sát thực hiện sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự, phản ánh sâu sắc sinh động hơi thở cuộc sống.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm