Bản báo cáo được công bố hôm 17/9 cũng chỉ trích các nhóm đánh bắt cá có vũ trang của Trung Quốc. Theo một số nghiên cứu, Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng này để thực thi yêu sách tại Biển Đông.
“Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, ước tính gồm hơn 3.000 tàu, đã liên tục gây hấn trên vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, đe dọa các ngư dân hợp pháp”, South China Morning Post trích dẫn bản báo cáo. Báo cáo nhận định các hành động trên là một phần trong kế hoạch ép buộc các nước ủng hộ chiến lược hàng hải lâu dài của Trung Quốc.
Tuần duyên Mỹ cũng đang tích cực gia tăng hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: South China Morning Post. |
Trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đang chuyển biến xấu, bản báo cáo cho thấy Tuần duyên Mỹ quyết tâm chống lại hoạt động đánh bắt xa bờ trái phép của ngư dân Trung Quốc. Đơn vị này ước tính hơn 12.000 tàu cá Trung Quốc đã hoạt động trong vùng biển không phải của Trung Quốc.
Bản báo cáo cũng nhấn mạnh: “Tuần duyên Mỹ sẽ làm sáng tỏ các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế và quy trách nhiệm cho những kẻ săn mồi”.
Tài liệu tiếp tục sử dụng nhiều ngôn từ mạnh mẽ: “Các quốc gia săn mồi đã hành động vô trách nhiệm khi làm ngơ nạn đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo, thiếu kiểm soát và bóp méo sự việc, thách thức an ninh và thịnh vượng chung, đồng thời gây bất ổn cho nhiều quốc gia đang gặp rủi ro trên toàn cầu”.
Trong thời gian gần đây, Washington thường xuyên củng cố lập trường quyết đoán trước sự hung hăng của Bắc Kinh. Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ở Biển Đông trong khi lực lượng hải quân của nước này tích cực tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan.
Dù Trung Quốc không phải nước duy nhất có tàu cá đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển nước khác, một báo cáo hồi tháng 6 của Viện Phát triển Hải ngoại (trụ sở ở London) đã gọi đích danh Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất vào "cuộc khủng hoảng nghề cá toàn cầu" vì các hoạt động đánh bắt xa bờ ở quy mô lớn nhất thế giới của tàu cá nước này.