Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tung cơ chế trả đũa 'danh sách đen' của Mỹ

Bắc Kinh thiết lập cơ chế cho phép họ trừng phạt những thực thể nước ngoài, động thái được xem là đòn trả đũa sau khi Mỹ cho các công ty Trung Quốc như Huawei vào "danh sách đen".

Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19/9 không đề cập đến bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể nào, nhưng chỉ ra các yếu tố có thể kích hoạt biện pháp trừng phạt.

Các biện pháp này có thể bao gồm phạt tiền, hạn chế đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc đầu tư ở Trung Quốc, cũng như đối với việc đưa nhân sự hoặc thiết bị vào Trung Quốc.

Cơ chế này áp dụng cho "các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức và cá nhân khác", AFP trích dẫn thông báo cho hay.

Việc Trung Quốc xây dựng "danh sách thực thể không đáng tin cậy" tiếp tục làm nóng cuộc chiến thương mại leo thang với chính quyền Trump. Washington trước đó đã đưa ra "danh sách đen", loại Huawei khỏi thị trường Mỹ với lý do an ninh quốc gia.

trung quoc tra dua danh sach den cua my anh 1

Quảng cáo Tiktok, ứng dụng Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt, tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi Mỹ ra lệnh cấm tải về ứng dụng chia sẻ video TikTok và ngăn chặn việc sử dụng siêu ứng dụng WeChat của Trung Quốc với lý do tương tự, khiến Bắc Kinh đe dọa đáp trả.

Bắc Kinh sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể có hoạt động "gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" hoặc vi phạm "các quy định về kinh tế và thương mại đã được quốc tế chấp nhận".

Những lời lẽ này giống cách diễn đạt mà Bắc Kinh sử dụng trong nhiều lần chỉ trích hành động của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nếu một thực thể bị nghi ngờ vi phạm quy định, cuộc điều tra sẽ được tiến hành dưới thẩm quyền của Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc. Bên nước ngoài được đề cập sẽ được biện hộ cho hành vi của họ trước các nhà điều tra Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Trung Quốc phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh với các thực thể bị nhắm đến cũng sẽ được phép nộp đơn xin miễn trừ mọi lệnh cấm kinh doanh với họ, như hệ thống của Mỹ cho phép.

Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại căng thẳng tập trung vào lĩnh vực công nghệ. Huawei, nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông hàng đầu thế giới, đã trở thành mục tiêu đặc biệt.

Washington đã áp dụng "danh sách thực thể" của họ để, về cơ bản, loại Huawei khỏi thị trường Mỹ và ngăn chặn các công ty Mỹ thực hiện bất cứ hoạt động kinh doanh nào với tập đoàn Trung Quốc hoặc với các bên có liên kết với Huawei.

Mỹ cho rằng Huawei có thể bị an ninh nhà nước Trung Quốc lợi dụng để xâm nhập vào các mạng truyền thông. Chính phủ Trung Quốc và Huawei phủ nhận cáo buộc, nói rằng Washington không đưa ra được bằng chứng.

Theo lệnh của Mỹ hôm 18/9, ứng dụng WeChat do Tencent sở hữu sẽ không hoạt động được tại Mỹ từ ngày 20/9. Người dùng TikTok sẽ bị cấm cài đặt các bản cập nhật nhưng có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng cho đến hết ngày 12/11.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã ngăn chặn hoặc hạn chế các công ty công nghệ lớn của Mỹ hoạt động tại thị trường đất nước tỷ dân, bao gồm Facebook, Twitter và Google.

Lần đầu Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông

Chia sẻ với Zing, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim đánh giá cao lệnh trừng phạt mới của Washington lên Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông.

Đòn trừng phạt từ ông Trump có thể loại TikTok khỏi các app store

Sắc lệnh cấm TikTok của Tổng thống Trump có thể ngăn không cho các kho ứng dụng lớn ở Mỹ như Apple, Google đăng tải TikTok, và khiến việc quảng cáo trên TikTok trở thành phi pháp.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm