Những chiến thắng liên tiếp của các đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan trong thời gian qua với đỉnh cao là màn hủy diệt U23 Thái Lan tại Mỹ Đình từng khiến nhiều người tin rằng tuyển Việt Nam nên chơi đôi công sòng phẳng với Thái Lan.
Tuy nhiên, 90 phút trước Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022 tối 5/9 đã chứng minh điều ngược lại. Tuyển Việt Nam không phù hợp và không đủ sức chơi kiểm soát nhưng sẽ luôn là đội bóng cực kỳ nguy hiểm với lối đá phòng ngự phản công sở trường.
Tuấn Anh mạnh mẽ, bền bỉ đang dần trở nên thích hợp với lối chơi của HLV Park Hang-seo. Đồ họa: Minh Phúc. |
Phiên bản nguyên thủy và hay nhất
Trước Thái Lan, tuyển Việt Nam đã mô phỏng lối chơi mà đội U23 từng thể hiện ở U23 châu Á tại Thường Châu, cũng là phiên bản đơn giản và nguy hiểm nhất dưới thời Park Hang-seo.
Đoàn quân của HLV Park xuất phát với sơ đồ 5-4-1 và xu hướng phòng ngự. Cặp tiền vệ Tuấn Anh, Đỗ Hùng Dũng đá thấp, Nguyễn Trọng Hoàng ít khi dâng cao, còn Tiến Linh “sức mạnh” và Văn Toàn “tốc độ” được xem như hai hậu vệ từ xa.
Trước Thái Lan không giấu giếm ý đồ kiểm soát thế trận bằng việc sử dụng 7 tiền vệ trong đội hình xuất phát, tuyển Việt Nam đã chủ động nhường lại thế trận cho đối thủ. Quang Hải và đồng đội kiểm soát bóng ít hơn, ban bật ít hơn, phát động ít đợt tấn công hơn nhưng điều quan trọng là cơ hội thì không hề ít hơn đối thủ.
Nếu Thái Lan có khoảng 3 cơ hội nguy hiểm của Supachok Sarachat, Thitipan Puangchan thì Việt Nam cũng có cỡ 4 tình huống tương tự của Văn Toàn, Công Phượng và Quang Hải. Hầu hết cơ hội của Việt Nam là những tình huống đối mặt, xuất phát từ các pha phản công nhanh. Sự khác biệt về số cơ hội giữa đôi bên là không nhiều dù tỷ lệ kiểm soát bóng có sự chênh lệch rất lớn.
Trước Thái Lan, tuyển Việt Nam chơi phòng ngự chủ động và lỳ lợm theo đúng phong cách U23 Việt Nam ở Thường Châu. |
Rõ ràng, tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo vẫn hay nhất khi đứng ở cửa dưới, chấp nhận nhường lại thế trận cho đối thủ.
Đó cũng là sự lựa chọn hợp lý của thầy Park bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, Việt Nam đang phải chơi trên sân khách trước một đối thủ hừng hực khát khao chiến thắng. Thứ hai, 10 ngày chuẩn bị thực ra không hề đủ bởi nhóm cầu thủ CLB Hà Nội chỉ hội quân trước trận vài ngày. Như chính ông Park đã nói, ông phải dành phần lớn thời gian cho họ hồi phục chứ không thể phát triển các chiến thuật mới.
Trong bối cảnh đó, lựa chọn một phong cách mà đội bóng đã nhuần nhuyễn là quyết định sáng suốt của HLV Park Hang-seo.
Tuấn Anh “chiến binh” và những điều mới mẻ
Nhưng điều đó không có nghĩa là tuyển Việt Nam đối đầu Thái Lan chẳng có điều gì mới. Tại King’s Cup, tuyển Việt Nam đã sử dụng 5 cầu thủ trưởng thành từ Học viện HAGL JMG trong trận gặp Thái Lan. Gặp lại đối thủ ở vòng loại World Cup, điều đó tiếp tục lặp lại khi Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh đều đã ra sân. Dù thiếu vắng Xuân Trường, đó vẫn là dấu hiệu cho thấy người của HAGL có thể được trọng dụng.
5 cầu thủ HAGL có mặt trên sân là điểm nhấn đáng kể nếu biết rằng, cầu thủ HAGL chưa bao giờ chiếm vị trí quan trọng nhất dưới thời Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam và U23 quốc gia. Thông điệp mới thật rõ ràng. Bất kể bạn là ai, bạn đến từ đâu, CLB của bạn đá thế nào, tuyển Việt Nam luôn có chỗ nếu cá nhân bạn sẵn sàng thay đổi.
Trước Thái Lan, Tuấn Anh “chiến binh” đã thay thế cho Tuấn Anh “nghệ sĩ”. Đó cũng là phiên bản nâng cấp của Tuấn Anh đã ra sân ở King’s Cup 2019, nghĩa là mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và tràn đầy tự tin. Bản thân Tuấn Anh khi trở lại sau chấn thương cũng đã tự mình thay đổi. Anh chơi đơn giản hơn, cố gắng tránh các pha bóng năm ăn năm thua, phòng ngự bằng cách giữ vị trí và chủ động nâng cao thể lực để chơi bóng với cường độ cao hơn.
Văn Toàn cũng thay đổi theo hướng thực dụng hơn, phù hợp hơn với triết lý Park Hang-seo. |
Tuấn Anh của thầy Park không chỉ biết phòng ngự, tranh chấp. Anh còn biết phạm lỗi và sẵn sàng phạm lỗi nếu đó là yêu cầu chiến thuật. Bên cạnh anh, một cái tên HAGL khác cũng đang được trọng dụng là đội phó Văn Toàn.
Trong tập thể HAGL, họ là những người chơi bóng đơn giản nhất, thực dụng nhất. Cả Văn Toàn và Tuấn Anh đều đang phát triển theo hướng thích nghi với chiến thuật của HLV Park và phù hợp hơn với đội tuyển Việt Nam. Việc chính họ chứ không phải Công Phượng rườm rà hay Xuân Trường yếu thể lực liên tiếp đá chính trước Thái Lan là bằng chứng cho thấy ông Park ưu tiên những người muốn thay đổi và thích nghi được với lối chơi riêng của đội tuyển.
Quan điểm ấy cũng phần nào giải thích việc Trọng Hoàng và Đoàn Văn Hậu vẫn được điền tên. Bởi trong thời gian ngắn, tìm được những gương mặt mới thấu hiểu lối chơi của tuyển Việt Nam là điều không dễ dàng.
Đối đầu Thái Lan, Việt Nam tại lượt về tháng 11 sẽ cực kỳ hấp dẫn. |
Thái Lan của Nishino sẽ còn đáng sợ hơn
Dù có những điểm tích cực ấy, phải nhìn nhận rằng tuyển Việt Nam ở Thammasat còn cách khá xa phiên bản tốt nhất. Tuấn Anh ngày càng tiến bộ, Văn Toàn hòa hợp hơn nhưng nguồn năng lượng mới từ họ chưa đủ để khỏa lấp các khoảng trống. So với Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam đấu Thái Lan thiếu tới bốn ngôi sao lớn: Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức, Nguyễn Anh Đức và Đoàn Văn Hậu (chỉ vào sân ít phút cuối).
Mất hơn 1/3 đội hình mà vẫn chơi tốt, cầm hòa đối thủ mạnh trên sân khách, kết quả ấy đáng được khen ngợi.
Về phần Thái Lan, ông Nishino cũng cho thấy đẳng cấp khi tạo ra hàng loạt thay đổi chỉ trong 10 ngày. Trên hàng công, chiến lược gia người Nhật Bản giữ đúng tuyên bố Supachai Jaided không phải mũi nhọn duy nhất bằng việc... không thèm cho cầu thủ này đá chính. Bảy tiền vệ vào sân từ đầu không khiến số cơ hội nguy hiểm của Thái Lan giảm đi.
Thái Lan sẽ đáng sợ hơn khi HLV Akira Nishino có đủ thời gian hoàn thiện lực lượng. |
Nếu Puangchan hay Sarachat chuẩn xác hơn một chút, Thái Lan đã có thể giữ 3 điểm ở lại quê nhà. Tiền vệ sinh năm 1998 Sarachat cũng là người chơi tốt nhất bên phía tuyển Thái khi liên tục “hành hạ” Trọng Hoàng và Duy Mạnh ở cánh trái (theo hướng tấn công của Thái Lan).
Tại tuyến giữa, tiền vệ Thái Lan đã kiểm soát bóng đúng như tính toán, còn Chanahip chứng minh tại sao anh có thể so giày cùng Andres Iniesta ở Nhật Bản. Vị trí thủ môn cũng là thử nghiệm thành công của ông Nishino khi tân đội trưởng Sivaruk Tedsungnoeng bắt tốt, không mắc sai lầm và cho thấy tầm ảnh hưởng của một người đàn anh giàu kinh nghiệm.
So với hồi tháng 6, tuyển Thái Lan tại vòng loại World Cup tỏ ra là một đội bóng hoàn toàn khác. Họ chủ động, kín kẽ, chơi bóng bài bản và biết từng bước bóp ngẹt “không gian” của đối thủ. Có thể mạnh dạn cho rằng, tuyển Việt Nam đã may mắn khi gặp được Thái Lan ở trận đầu tiên. Khi ông Nishino có nhiều thời gian hơn, Thái Lan sẽ còn đáng sợ gấp bội.
Cả hai đội tuyển đều còn “khoảng trống” để tăng cường sức mạnh trước ngày tái đấu. Điều đó hứa hẹn 90 phút lượt về cực kỳ hấp dẫn tại Mỹ Đình tháng 11 tới.