Hải quân Peru ngày 25/9 thông báo đang theo dõi chặt chẽ đội tàu cá Trung Quốc gồm khoảng 250 chiếc, đang hoạt động trên hải phận quốc tế, sát vùng biển Andean của nước này.
Sự xuất hiện của đội tàu Trung Quốc châm ngòi làn sóng phẫn nộ của ngư dân địa phương, cùng một cuộc khẩu chiến trên Twitter giữa Washington và Bắc Kinh, theo Reuters.
Đội tàu trước đó hoạt động gần quần đảo Galapagos của Ecuador để đánh bắt mực biển. Theo hải quân Peru, đội tàu tuần này đang ở cách bờ biển Peru khoảng 370 km.
Hải quân Ecuador bao vây và kiểm tra một tàu cá thuộc đội tàu Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Galapagos vào tháng 8. Ảnh: Reuters. |
Lo ngại thiệt hại hệ sinh thái
Theo chuẩn đô đốc Jorge Portocarrero, chỉ huy lực lượng tuần duyên Peru, đội tàu Trung Quốc được nhận diện và định vị nhờ một chuyến bay trinh sát tầm thấp và một tàu tuần tra Peru giữa các ngày 20-23/9.
"Các tàu này không tập trung vào một khu vực mà rải rác khắp nơi", ông ước tính số tàu cá Trung Quốc có thể trong khoảng 250-270 chiếc. "Chúng tôi chưa có bằng chứng họ đã đi vào vùng hàng hải của đất nước".
Đại sứ quán Mỹ tại Lima lưu ý đội tàu cá Trung Quốc có xu hướng tránh theo dấu hàng hải. Cơ quan ngoại giao Mỹ còn cáo buộc tàu Trung Quốc đang xả rác thải nhựa gây ô nhiễm.
"Đánh bắt cá quá mức có thể gây ra thiệt hại khổng lồ về hệ sinh thái và kinh tế. Peru không thể chấp nhận tổn thất to lớn như thế", Đại sứ quán Mỹ tại Lima nhấn mạnh trong bài đăng trên Twitter.
Cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Peru lập tức phản pháo trên mạng xã hội. Đại sứ quán Trung Quốc nói nước này rất quan tâm đến bảo vệ môi trường và đại dương, đồng thời "hy vọng dư luận Peru không bị đánh lừa bởi thông tin sai lệch".
Bộ Ngoại giao Peru đang tìm cách giảm căng thẳng giữa hai cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ và Trung Quốc. Quốc gia Nam Mỹ là nước khai thác đồng lớn thứ hai thế giới, với phần lớn sản lượng được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Manuel Gerardo Talavera Espinar nhấn mạnh Peru là "bạn và đối tác" của cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Ông kêu gọi các bên giải quyết bất đồng bằng đối thoại, thấu hiểu và hợp tác.
"Hải quân đang tổ chức bay giám sát, đảm bảo không có tàu nào trong nhóm ở trong khu vực quyền tài phán của chúng tôi", Bộ trưởng Quốc phòng Jorge Chavez ngày 25/9 cho biết.
Đại sứ quán Mỹ tại Peru đã lên án các tàu cá Trung Quốc vơ vét tài nguyên biển các nước Nam Mỹ. Ảnh: AFP. |
"Bí mật mà ai cũng biết"
Các hội nghề cá Peru đã bày tỏ quan ngại đội tàu Trung Quốc đánh bắt mực biển quá mức sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến nền kinh tế địa phương. Mực biển chiếm gần 43% tổng xuất khẩu hải sản quốc gia ở nước này.
"Việc các tàu cá chủ yếu từ Trung Quốc đến vùng biển này mỗi năm, cắm chốt ngay rìa phạm vi 200 hải lý ngoài khơi Peru để khai thác nguồn tài nguyên này, là một bí mật mà ai cũng biết", Cayetana Aljovin, chủ tịch Hội Nghề cá Quốc gia, nói thẳng.
"Khai thác không có kiểm soát tài nguyên trên các vùng biển sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái Peru", ông cảnh báo.
Chuẩn đô đốc Portoccarero xác nhận các đội tàu cá Trung Quốc đã hiện diện ở Đông Thái Bình Dương nhiều năm qua. Họ hoạt động từ vùng biển phía bắc Chile, đến ngoài khơi Peru và xuống tận quần đảo Galapagos ngoài khơi Ecuador.
Ông xác nhận Peru từng bắt được 3 tàu cá mang cờ Trung Quốc xâm nhập lãnh hải vào năm 2004. Chiến dịch này đã huy động một tàu ngầm và một trực thăng của hải quân quốc gia. Chuẩn đô đốc Portoccarero cảnh báo các đội tàu cá nước ngoài đánh bắt bừa bãi đang hiện diện khắp thế giới, không chỉ ngoài khơi Peru và Ecuardor.
"Chúng ta đã phát hiện một đội tàu rất lớn ngay cửa ngõ Argentina, một đội tàu khác phía bắc Brazil. Còn có một vài đội tàu đang ở gần Australia, New Zealand, Đông Phi và Ấn Độ Dương. Đây là vấn đề toàn cầu", ông nhấn mạnh.
Theo phân tích của nhóm bảo tồn biển Oceana, gần 300 tàu Trung Quốc chiếm tới 99% hoạt động đánh bắt bên ngoài vùng biển của quần đảo Galapagos ngoài khơi Ecuador từ ngày 13/7 đến ngày 13/8. Đội tàu này chủ yếu đánh bắt mực và các loài cá như cá ngừ và cá bạc má. Mực là thức ăn cần thiết của hải cẩu lông Galapagos và cá mập đầu búa - loài có nguy cơ tuyệt chủng; trong khi các loài cá nói trên là sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế địa phương.
Lực lượng vũ trang Ecuador vào tháng 8 còn báo động tình trạng hàng chục tàu cá Trung Quốc trong đội tàu đã tắt hệ thống theo dõi hoặc đổi tên để né giám sát. Từ năm 2017, đội tàu cá Trung Quốc đã hoạt động tại vùng biển phía ngoài khu bảo tồn Galapagos trong những tháng mùa hè.
Trung Quốc đã cam kết "không khoan nhượng" với việc đánh bắt bất hợp pháp, đề xuất lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực gần Galapagos trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, dù các đội tàu thường rời khỏi khu vực trước thời gian này.