Theo phân tích của nhóm bảo tồn biển Oceana, gần 300 tàu Trung Quốc chiếm tới 99% hoạt động đánh bắt bên ngoài vùng biển của quần đảo từ ngày 13/7 đến ngày 13/8.
Đội tàu này chủ yếu đánh bắt mực và các loài cá như cá ngừ và cá bạc má. Mực là thức ăn cần thiết của hải cẩu lông Galápagos và cá mập đầu búa - loài có nguy cơ tuyệt chủng; trong khi các loài cá nói trên là sản phẩm trọng yếu của nền kinh tế địa phương.
Marla Valentine, chuyên gia thuộc tổ chức Oceana, cho biết: "Trong suốt một tháng, thế giới đã theo dõi và tự hỏi đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đang làm gì ngoài khơi quần đảo Galápagos, nhưng bây giờ chúng tôi đã biết".
Sử dụng công cụ lập bản đồ do tổ chức phi chính phủ Global Fishing Watch hợp tác với Google và cơ quan giám sát môi trường SkyTruth phát minh, Oceana ghi nhận các tàu Trung Quốc dường như đã tắt thiết bị theo dõi, do đó cung cấp thông tin nhận dạng tàu không minh bạch.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy gần 300 tàu cá Trung Quốc hoạt động ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galápagos trong một tháng. Ảnh: Oceana. |
Kết quả phân tích cũng cho thấy một số tàu tham gia vào các hoạt động trung chuyển khả nghi, có thể tạo điều kiện cho hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU).
"Nỗ lực đánh bắt quy mô lớn và liên tục này của hạm đội tàu Trung Quốc đang đe dọa quần đảo Galápagos, đe dọa các loài động vật quý hiếm sinh sống tại đây và cả những người dân phụ thuộc vào chúng để kiếm thức ăn và sinh kế", chuyên gia Valentine nói.
"Đáng buồn thay, khi đề cập đến tác động của đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc đối với các địa phương, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Tình hình đang diễn ra ở Galápagos sẽ làm dấy lên câu hỏi và lo ngại sâu sắc về tác động của đội tàu đánh cá này đối với các đại dương mà họ đi tới", chuyên gia này nói thêm.
Trung Quốc là quốc gia xếp hạng thấp nhất thế giới trong thang chỉ số đánh bắt IUU năm 2019. Đội tàu của nước này thường xuyên dính líu đến hoạt động khai thác quá mức, nhắm vào các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng và xâm phạm quyền tài phán, theo Guardian.
Khu bảo tồn biển Galápagos là di sản thế giới do UNESCO công nhận và có diện tích hơn 133.000 km2 bao quanh quần đảo. Hơn 20% loài sinh vật biển tại đây không sinh sống ở nơi nào khác trên Trái Đất.