Trong số khoảng 325 tàu vẫn đang đánh bắt ở vùng biển gần quần đảo Galapagos - khu vực nhạy cảm về mặt sinh thái, 149 tàu đã cắt liên lạc tại một số thời điểm trong những tháng gần đây, theo Tư lệnh Hải quân Ecuador, Chuẩn đô đốc Darwin Jarrin.
Một số tàu cũng đã đổi tên để tránh bị giám sát, ông cho hay.
"Trong giai đoạn này, 149 tàu đã tắt hệ thống vệ tinh của họ... chúng tôi biết tên của các tàu này", ông Jarrin nói trong cuộc họp báo hôm 18/8. Ông từ chối nêu tên các tàu.
Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Oswaldo Jarrin trong cuộc họp báo. Ảnh: Reuters. |
Ecuador đang tìm cách ngăn chặn việc đánh bắt không bền vững ngoài khơi, đồng thời tránh đối đầu với Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất và là thị trường chính cho xuất khẩu tôm của Ecuador.
Ecuador cho biết đội tàu này chưa đi vào lãnh hải của họ, nhưng các nhà hoạt động môi trường nói kiểu đánh bắt như vậy cho phép các tàu khai thác nguồn lợi hải sản phong phú đi lại trong vùng biển nằm giữa Galapagos và đất liền.
"Đây là sự vi phạm (các quy định về hoạt động) trên biển cả, bởi vì họ không muốn chúng tôi biết họ đang làm gì cũng như các hoạt động mà họ tiến hành", Bộ trưởng Quốc phòng Oswaldo Jarrin nói.
Ông cho biết việc tắt thiết bị vệ tinh vi phạm các quy tắc được xây dựng bởi Tổ chức Quản lý Nghề cá Khu vực (RFMO), mạng lưới bao gồm các cơ quan quốc tế thúc đẩy đánh bắt bền vững.
Từ năm 2017, đội tàu cá Trung Quốc đã hoạt động tại vùng biển phía ngoài khu bảo tồn Galapagos trong những tháng mùa hè, để đánh bắt các loài động vật như mực khổng lồ hoặc cá mập đầu búa - một loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Trung Quốc đã cam kết "không khoan nhượng" với việc đánh bắt bất hợp pháp. Bắc Kinh cũng đã đề xuất lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực gần Galapagos trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11, dù các đội tàu thường rời khỏi khu vực trước thời gian này.