Diễn đàn Ngư dân Pakistan (PFF) đã công bố chiến dịch phản đối các tàu cá này đến gần Karachi. Theo PFF, trữ lượng cá khu vực ven biển đã giảm hơn 72% kể từ năm ngoái do đánh bắt không kiểm soát.
Giờ đây, họ sợ rằng những tàu này sẽ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển của Pakistan, theo Nikkei Asian Review.
Các tàu cá đến vùng biển ngoài khơi hai tỉnh Sindh và Baluchistan vào tuần đầu tháng 8. Họ vẫn chưa bắt đầu đánh bắt. Không rõ các tàu này đến từ vùng nào của Trung Quốc.
Ngư dân Pakistan lo sợ tàu cá Trung Quốc làm cạn kiệt tài nguyên biển. Ảnh: Reuters. |
"Những con tàu này đe dọa sinh kế của các ngư dân nhỏ bé bằng cách tước đoạt những gì họ đang đánh bắt hiện nay và trong tương lai thông qua hủy hoại sinh thái biển", Chủ tịch PFF Muhammad Ali Shah cho biết trong một tuyên bố.
Theo sự chỉ đạo của PFF, các ngư dân ở thành phố Gwadar phía tây nam cũng đã công bố chiến dịch phản đối các tàu này. Gwadar là phần trung tâm của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan trị giá 50 tỷ USD, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong quá khứ, ngư dân Gwadar đã phản đối các dự án cơ sở hạ tầng thuộc chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc, cho rằng các dự án này khiến họ không thể ra khơi.
Chủ tịch Liên minh Ngư dân Gwadar, Khuduaidad Waju, nói các tàu Trung Quốc sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân địa phương.
"Đánh bắt trên biển là nguồn sinh kế của hơn 2,5 triệu người ở các thị trấn ven biển của Sindh và Baluchistan, và những tàu cá mới sẽ tước đi sinh kế của chúng tôi", ông nói.
Trước làn sóng phản đối, cơ quan giám sát của tỉnh Sindh đã gửi thư cho quản lý của Hiệp hội Hợp tác xã Ngư dân, nơi cấp giấy phép cho các tàu của Trung Quốc. Thư yêu cầu người quản lý cung cấp thông tin chi tiết về thỏa thuận với công ty sở hữu các tàu này, Fujian Hengli Fishery.
Vấn đề đã được đưa ra quốc hội Pakistan. Aslam Bhootani, nghị sĩ đại diện Gwadar, tuần trước nói với cơ quan lập pháp rằng sự xuất hiện của các tàu cá Trung Quốc tạo ra nỗi sợ hãi cho ngư dân tại khu vực.
Ông Bhootani nói với Nikkei rằng các tàu biển sâu "có lưới đánh cá lớn không chỉ bắt được nhiều cá mà còn phá hủy hệ sinh thái của sinh vật biển". Ông cũng cho biết ngư dân ở Gwadar có thuyền nhỏ và không thể đi đến vùng biển sâu.
"Ngư dân ở Gwadar không có cách nào chống lại các tàu Trung Quốc này, và đó là lý do tại sao chúng tôi phản đối họ", ông nói.
Trung Quốc sở hữu đội tàu cá lớn nhất thế giới với sự trợ cấp lớn từ chính phủ.
Đối mặt với việc nguồn cá cạn kiệt ở các vùng biển xung quanh đất nước, các tàu cá khổng lồ của Bắc Kinh đang tăng cường đi đến các vùng biển mới để đáp ứng nhu cầu lớn của nước này về hải sản - chiếm một phần ba tổng lượng tiêu thụ thế giới.