Việc hải quân Ecuador gần đây phát hiện đội tàu cá khổng lồ gồm 340 tàu Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Galápagos đã gây ra sự phẫn nộ ở cả Ecuador và nhiều nước khác.
Dưới áp lực từ phản ứng cứng rắn của Ecuador, Trung Quốc nói nước này có thể bắt đầu buộc đội tàu đánh cá xa bờ khổng lồ của họ thu lưới. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ecuador đã tuyên bố "không khoan nhượng" với nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Trong tuần này, Bắc Kinh cũng tuyên bố thắt chặt các quy định với đội tàu cá khổng lồ này.
Tuy nhiên, 325 trong số 340 tàu đó còn ở ngoài khơi Ecuador. Chỉ huy hải quân địa phương Darwin Jarrín tuần trước nói rằng gần một nửa số tàu đó đã tắt hệ thống liên lạc vệ tinh, hành động vi phạm các quy tắc của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.
Một tàu hải quân Ecuador xua đuổi tàu đánh cá vào ngày 7/8 sau khi một đội tàu chủ yếu mang cờ Trung Quốc bị phát hiện ở Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters. |
Những diễn biến này cho thấy các quốc gia nhỏ gặp khó khăn như thế nào khi chống lại đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc, theo bài viết của Guardian.
Con số "không thể tưởng tượng nổi"
Đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc - lớn nhất thế giới - đã đánh bắt quá mức trên những vùng biển xa hơn cả Galápagos (chính là quần đảo đã truyền cảm hứng cho Thuyết Tiến hóa của Charles Darwin). Từ vịnh Guinea ở Tây Phi đến bán đảo Triều Tiên, đội tàu đã đi vào vùng biển của các quốc gia khác, tắt thiết bị phát sóng để tránh bị phát hiện, làm cạn kiệt nguồn cá và đe dọa an ninh lương thực của cộng đồng nghèo ven biển.
Ở Đông Á, các tàu đánh cá còn hoạt động như lực lượng tiên phong nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ phi pháp, một phần trong chiến lược địa chính trị hung hăng.
Tuần này, Trung Quốc đưa ra hình phạt khắc nghiệt hơn với các công ty và thuyền trưởng liên quan đến hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và thiếu kiểm soát (IUU). Tuy nhiên, các nhà bảo tồn theo dõi vụ việc ở Galápagos tỏ ra nghi ngờ.
Tàu hàng lạnh Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999 đã bị chặn lại trong khu bảo tồn biển Galápagos năm 2017. Trên tàu này có khoảng 300 tấn cá, chủ yếu là cá mập, bao gồm cả các loài được bảo vệ. Ảnh: Vườn Quốc gia Galápagos. |
“Ngoài thông báo một chiều này, vấn đề vẫn không thay đổi”, Pablo Guerrero, giám đốc bảo tồn biển của tổ chức hoạt động môi trường WWF Ecuador, nói với Guardian. “Các tàu này hoạt động mà không có người giám sát trên tàu. Họ không quay lại cảng mà chuyển hàng đánh bắt được cho tàu mẹ. Tóm lại, họ đánh cá không ngừng nghỉ và hoạt động đánh bắt không dừng lại”.
Đội tàu gồm nhiều thành phần phức tạp. Trong số hàng trăm tàu, có các tàu cung cấp nhiên liệu, tàu đánh cá, tàu hỗ trợ và tàu hàng lạnh. Một số tàu trong số đó còn là tàu không đăng ký, ông Guerrero nói.
Sử dụng công nghệ tiên tiến, tổ chức phi chính phủ Global Fishing Watch và Viện Phát triển Nước ngoài (ODI) đã phân tích dữ liệu và kết luận rằng quy mô và phạm vi của đội tàu cá Trung Quốc vượt xa những gì được báo cáo.
ODI phát hiện đội tàu có 16.966 tàu, nhiều hơn 5 lần so với ước tính trước đó. Trong khi đó, đội tàu đánh bắt xa bờ của Mỹ chỉ có 300 tàu thuyền.
Một sĩ quan hải quân Ecuador quan sát radar vào ngày 7/8 sau khi đội tàu chủ yếu mang cờ Trung Quốc bị phát hiện trên hành lang quốc tế giáp với quần đảo Galápagos. Ảnh: Reuters. |
Năm 2017, Trung Quốc đã công bố kế hoạch nâng quy mô đội tàu lên 3.000 tàu vào năm 2020.
“Chúng tôi bị sốc trước số tàu khổng lồ đó vì chúng tôi dự đoán chỉ khoảng 4.000 hoặc 5.000 tàu”, bà Miren Gutiérrez, tác giả chính của báo cáo ODI, nói.
Nghiên cứu kéo dài hơn một năm cũng cho thấy gần 1.000 tàu trong số đó đang sử dụng cờ thuận tiện - tức tàu đăng ký và treo cờ của quốc gia khác. Ít nhất 183 tàu bị nghi có hoạt động IUU.
“Nghiên cứu gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động đánh bắt cá thông qua việc miễn thuế, chủ yếu là thuế nhiên liệu. Số tiền này trị giá 16,6 tỷ USD mỗi năm, tương đương 47% tổng trợ cấp đánh bắt cá toàn cầu”, bà Gutiérrez nói.
“Vấn đề là hầu hết hoạt động đánh bắt quá mức này không vi phạm pháp luật vì diễn ra ở các vùng biển quốc tế”, bà Gutiérrez cho biết. “Hầu hết tàu cá Trung Quốc là tàu lưới kéo. Loại tàu này bị cấm trong lãnh hải của Trung Quốc và là loại tàu gây hại nặng nề đến hệ sinh thái biển”.
Các nước tiêu thụ thủy sản phải hành động
“Để thay đổi chuyện này, cần phải có sự minh bạch triệt để”, Philip Chou, một chuyên gia về đánh bắt xa bờ tại Oceana - một nhóm bảo tồn biển, cho biết.
Trung Quốc cần công khai sản lượng khai thác, vị trí các đội tàu, quyền sở hữu tàu cá và các thỏa thuận song phương hoặc khu vực họ đã ký với các quốc gia ven biển có thu nhập thấp, ông Chou nói.
Một báo cáo năm 2018 của Quỹ Công lý Môi trường cho thấy 90% tàu treo cờ Ghana ở Tây Phi liên quan đến Trung Quốc.
Trung Quốc đã công bố hai lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài ba tháng. Nước này cấm đánh bắt ở phía tây của Galápagos từ tháng 9 đến tháng 11 và ở nam Đại Tây Dương gần Argentina từ tháng 7.
Quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới cũng được khuyến khích lên kế hoạch phê chuẩn Thỏa thuận về Các biện pháp Quản lý Cảng Quốc tế (PSMA). Theo thỏa thuận này, các cảng trên thế giới cam kết không cho các tàu đánh cá bất hợp pháp hoặc không được kiểm soát vào đất liền.
Bộ trưởng Quốc phòng Ecuador Oswaldo Jarrin ngồi cạnh các đô đốc hải quân trong một cuộc họp báo ở thành phố cảng Guayaquil về đội tàu Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Galápagos. Ảnh: Reuters. |
“Đó là một sự nhượng bộ đáng kể”, Steve Trent, giám đốc điều hành của Quỹ Công lý Môi trường, cho biết. "Tuy nhiên, trong bối cảnh của ngành thủy sản toàn cầu, điều đó là chưa đủ".
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Trung Quốc chiếm khoảng 15% sản lượng đánh bắt trên thế giới vào năm 2018, nhiều hơn gấp đôi so với các nước xếp thứ hai và thứ ba. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch khiến người ta không thể thực sự biết được con người khai thác bao nhiêu hải sản trong bối cảnh số lượng sinh vật biển giảm một cách đáng báo động trong nửa thế kỷ qua.
Ecuador là một trong số ít các quốc gia nhỏ đã chống lại đội tàu Trung Quốc. Tại Biển Đông, Indonesia đã điều các máy bay chiến đấu F-16 cùng lực lượng hải quân, tuần duyên và tàu đánh cá để đẩy lùi 63 tàu đánh cá và 4 tàu tuần duyên của Trung Quốc khỏi vùng biển của họ vào tháng 1.
Tuy nhiên, các tàu đánh cá của Triều Tiên có thể gặp kết cục tệ hơn khi chạm trán với “đội tàu bóng tối” của Trung Quốc. Đã có báo cáo về việc một số “tàu ma” dạt vào bờ biển Nhật Bản với thi thể của ngư dân Triều Tiên.
Ở sân sau của mình, đội tàu Trung Quốc nổi tiếng về việc đánh bắt bất hợp pháp có hệ thống và các chiến thuật gây hấn khi đối mặt với các đối thủ cạnh tranh hoặc tàu tuần tra nước ngoài.
Trung Quốc đã ký một thỏa thuận quan trọng của Liên Hợp Quốc về trữ lượng cá vào năm 1996. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ phê chuẩn thỏa thuận này.
Mỹ, Nhật Bản và EU - các quốc gia tiêu thụ khoảng 70% thủy sản toàn cầu - cần phải chủ động ngăn chặn cá đánh bắt trong diện IUU từ các tàu Trung Quốc xâm nhập vào chuỗi cung ứng quốc tế, ông Trent nói.
“Nếu không có sự thay đổi cơ cấu toàn diện của Trung Quốc và hệ thống quản trị đại dương toàn cầu để đảm bảo người Trung Quốc tuân thủ luật pháp, trữ lượng cá của thế giới sẽ tiếp tục giảm mạnh”, ông Trent nói thêm.
“Những người chịu thiệt hại đầu tiên và tệ nhất hầu như luôn là các cộng đồng ven biển, những người sống dựa vào nghề cá”, ông cho biết. “Những gì đang xảy ra ở quần đảo Galápagos đều xảy ra ở các địa điểm khác trên khắp thế giới và điều đó thật đáng sợ”.