Tư duy ngược (hay nghịch đảo) là suy nghĩ vấn đề theo cách đi ngược lại với nguyên tắc quen thuộc, hoặc theo lối mòn thường thấy. Cách tư duy này giúp chúng ta tạo ra nhiều ý tưởng mới, sáng tạo mới, khám phá những điều mà người khác không thấy được và có những thành tựu đầy bất ngờ.
Tư duy ngược đã và đang được sử dụng khá phổ biến trong việc tìm ra những hướng giải quyết vấn đề mang tính đột phá, khác biệt. Đã có nhiều tư duy ngược dịch chuyển thế giới đem lại những phát minh, sáng chế đáng kể cho nhân loại.
Những cuốn sách sau đây không chỉ mang đến cho bạn những hiểu biết về tư duy ngược, mà còn kích thích bạn thoát ra khỏi “vùng an toàn”, thay đổi, làm mới bản thân, mạnh dạn đi những bước đi riêng của mình, dám hành động để thành công.
Sách Nghĩ ngược lại và làm khác đi. Ảnh: MC. |
Nghĩ ngược lại và làm khác đi
Cuốn sách là tập hợp những lời khuyên thông thái, không theo bất cứ chuẩn mực nào, nói về sự khác biệt trong tư duy. Thông qua cuốn sách, tác giả Paul Arden - vốn là Giám đốc điều hành sáng tạo tại tập đoàn nổi tiếng Saatchi & Saatchi - gửi gắm thông điệp: “Đừng ngại thay đổi, thế giới bên ngoài “vùng an toàn” hấp dẫn hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ, nhưng chỉ dành cho những người dũng cảm thay đổi, dám bước chân ra thế giới rộng lớn. Cho nên hãy cứ tưởng tượng, sáng tạo, phá vỡ những nguyên tắc, mạnh dạn đi những bước đi riêng của mình; dám hành động thì sẽ ắt thành công”.
Bí quyết của sự thành công theo cuốn sách chính là niềm tin, sự kiên trì và khả năng tư duy sáng tạo của mỗi người. Trong đó, sáng tạo là yếu tố cốt lõi, không thể thiếu trong con đường đi đến thành công. Khác biệt của sáng tạo chính là tạo ra đột phá, không bứt phá thì mãi chỉ dậm chân tại chỗ, không thể phát triển và thành công mạnh mẽ được.
Chúng ta là những cá thể khác biệt, nên có những khả năng và sự sáng tạo riêng. Vì vậy, bạn hãy để bản thân có cơ hội rẽ một lối riêng - ở đó có thể bạn sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng để bạn đi đúng hướng và thực hiện được những dự định của chính mình.
Tất nhiên đi theo số đông sẽ luôn là phương án an toàn để bạn yên tâm và tự tin rằng mình không cô đơn, không sai lầm, không thất bại một mình. Nhưng làm cái mà ai cũng làm cũng sẽ khiến bạn thực sự nhàm chán.
Bạn cũng nên đừng quá hòa mình vào đám đông, sống và làm việc phải có chính kiến. Không ngừng học hỏi những điều mới, trau dồi khả năng sáng tạo của bản thân, bởi vì lối mòn sẽ giết chết sự sáng tạo trong bạn.
Hãy thử một lần bước chân ra khỏi vùng an toàn, bạn sẽ thấy thế giới ngoài kia rộng lớn, có nhiều điều mới mẻ, có thể bạn chưa từng biết. Bạn có thể chọn cho mình con đường bằng cách phá vỡ các nguyên tắc vốn có để tung cánh bay, hoặc kìm hãm chính mình trong lối mòn cũ, không có cơ hội tìm kiếm những thứ mới.
Sách Tư duy ngược dịch chuyển thế giới. Ảnh: H.Q. |
Tư duy ngược dịch chuyển thế giới
Người ta thường cho rằng chỉ ít người có khả năng sáng tạo bẩm sinh, trong khi đa số còn lại ít khi có được những ý tưởng độc đáo. Vài người sinh ra để làm lãnh đạo, trong khi đa số là những kẻ đi theo. Tuy nhiên trong cuốn Tư duy ngược dịch chuyển thế giới, Adam Grant đã chứng minh điều ngược lại.
Trong cuốn sách, ông đã giải quyết vấn đề là làm sao cải thiện thế giới từ một góc nhìn mới để “trở nên khác biệt”: Chọn đi “ngược dòng”, đấu tranh với tính tuân thủ cứng nhắc và đập tan các truyền thống lỗi thời.
Tư duy ngược dịch chuyển thế giới vén bức màn bí mật đằng sau sự thành công và cả thất bại của rất nhiều người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tới toàn thế giới trong cả lĩnh vực kinh doanh, khoa học, chính trị, thể thao và cả giải trí.
Bạn sẽ được lý giải tại sao Steve Jobs và những nhà đầu tư huyền thoại của thung lũng Silicon lại sai lầm khi đầu tư vào công ty xe hai bánh tự cân bằng Segway; bất ngờ vì vai trò của sự am hiểu nghệ thuật đối với thành công của những nhà khoa học nổi tiếng; tìm hiểu lợi thế của sự chần chừ từ các công ty Start-up hay được sáng tỏ về sự bất lợi trong mục tiêu trở nên khác biệt giữa con cả và con thứ…
Qua từng câu chuyện, cuốn sách tiết lộ cho người đọc câu trả lời sáng suốt cho nhiều câu hỏi: Làm thế nào để xác định những ý tưởng thật sự độc đáo và có thể thực hiện? Khi nào nên tin tưởng vào trực giác bản thân và khi nào nên dựa vào người khác? Làm thế nào để có thể trở thành các bậc phụ huynh biết cách nuôi dưỡng tính sáng tạo ở con trẻ? Hay cách những nhà quản lý giỏi biết thúc đẩy những ý tưởng độc đáo thay vì áp dụng kiểu tư duy nguyên tắc và cứng nhắc.
Sách Nghệ thuật tư duy ngược dòng. Ảnh: MC. |
Nghệ thuật tư duy ngược dòng
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có những quan điểm, suy nghĩ riêng của bản thân mình. Trong nghệ thuật tư duy, đôi khi bạn sẽ có lối suy nghĩ đi ngược lại với đám đông, điều đó không có nghĩa là bạn sai, và cũng không thể chắc chắn rằng suy nghĩ của đám đông luôn đúng.
Cuốn sách Nghệ thuật tư duy ngược dòng của tác giả Humphrey B. Neill đã phân tích chi tiết những nội dung này. Sách bao gồm các bài luận của tác giả về lý thuyết nghệ thuật tư duy ngược dòng do chính ông tạo nên.
Theo tác giả sách, nghệ thuật tư duy ngược dòng có thể được định nghĩa một cách đơn giản là đưa tư duy của bạn thoát khỏi lối mòn và những ý kiến của đám đông.
Tác giả cũng cho rằng trong nhiều trường hợp, đôi khi đám đông có cùng suy nghĩ và quan điểm giống nhau, nhưng nhiều khả năng tất cả đều sai.
Qua những phân tích của tác giả, chúng ta có thêm những góc nhìn đa chiều, những đánh giá khách quan, hạn chế sự ảnh hưởng của những ý kiến từ đám đông, giúp mỗi người luôn tỉnh táo và có chính kiến của riêng mình trước mọi vấn đề, tình huống trong cuộc sống.
Cũng theo tác giả, việc để suy nghĩ bị phụ thuộc vào số đông chưa hẳn đã là hợp lý, hãy chọn cho mình một lối tư duy ngược dòng, đó mới là phương pháp phù hợp và cần thiết để giúp chúng ta nhìn nhận về một sự kiện, vấn đề một cách khách quan và lý trí nhất có thể.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.