Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giúp bạn thoát khỏi tư duy lối mòn

“Think Again: Dám nghĩ lại” dẫn dắt bạn đọc khám phá giá trị, ý nghĩa của "tái tư duy", cũng như cách khai mở năng lực này trên mọi phương diện.

Tái tư duy có thể giải phóng chúng ta khỏi gông cùm của môi trường thân thuộc và những phiên bản trước đây của chính mình. Nguồn: thinkingschool.

Trong cuốn Think Again: Dám nghĩ lại, tác giả Adam Grant cho biết lối tư duy thường ngày đã trở thành những thói quen trì kéo chúng ta và chẳng ai buồn thắc mắc về những lối mòn tư duy đó. Một phần lý do nằm ở sự lười biếng trong tư duy. Chúng ta thường chọn sự nhàn hạ để giữ nguyên những nhận thức cũ thay vì vật lộn với những cái mới.

Để giải quyết vấn đề này, tác giả cho rằng mọi người hãy loại bỏ những kiến thức và quan điểm không còn hữu ích và hướng tới xây dựng nhận thức bản thân bằng việc tái tư duy (tư duy linh hoạt thay vì tính cứng nhắc). Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ thành công hơn trong công việc và hạnh phúc hơn cuộc sống. Lý do là vì tái tư duy có thể giúp bạn nảy ra những giải pháp cho các vấn đề cũ, đồng thời cải tạo lại các giải pháp cũ để áp dụng cho vấn đề mới. Đây là hành trình bạn học hỏi nhiều hơn từ những người xung quanh và sống ít tiếc nuối hơn.

Vòng lặp tư duy cố chấp

Trong cuốn sách, Adam Grant dẫn dắt bạn đọc khám phá giá trị, ý nghĩa của tái tư duy, cũng như cách khai mở năng lực này trên mọi phương diện: từ bản thân đến người khác và các cộng đồng; hướng đến sự vượt trội trong công việc và sự thông tuệ, mãn nguyện trong đời sống.

Ở phần đầu tiên của sách, tác giả tập trung khám phá nguyên nhân của những “vòng lặp tư duy cố chấp”, hay lý do vì sao chúng ta thường tự đóng khung suy nghĩ của chính mình, trung thành với những hiểu biết, thói quen và niềm tin già cỗi.

Theo tác giả, con người thường gắn chặt những điều đã biết với cái tôi và căn tính của bản thân. Ta hay kháng cự với việc tái tư duy vì nó khiến ta cảm thấy bản ngã bị lung lay. Điều này dẫn ta sa lầy vào thiên kiến xác nhận (chỉ nhìn thấy những gì mình tin) hoặc thiên kiến mong chờ (chỉ nhìn thấy những gì mình muốn thấy), và thường tự tin quá mức về hiểu biết của mình. Xét rộng hơn, trong bối cảnh xã hội, con người tìm thấy “cảm giác thuộc về” với nhóm người đồng tình với mình, vì thế có xu hướng tiếp tục ở yên trong nhóm đó.

Cứ như thế, cuộc sống của chúng ta rất dễ mắc kẹt vào một vòng lặp tư duy cố chấp: Ta tin tưởng quá mức một điều, rồi chỉ nhìn thấy những gì củng cố niềm tin đó, và ta tiếp tục tự phụ, khư khư ôm lấy những quan điểm, niềm tin cũ kỹ, huyễn hoặc.

Tuy nhiên, cũng theo tác giả, căn tính của chúng ta là hệ thống mở và cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Chúng ta không việc gì phải tự trói buộc mình với những hình mẫu cũ kỹ về nơi chúng ta muốn đến hay con người mà ta muốn trưởng thành. Cách đơn giản nhất để bắt đầu tái tư duy về các khả năng mà ta có thể cân nhắc là tự vấn về những việc chúng ta làm hàng ngày.

Dam nghi lai anh 1

Sách Think Again: Dám nghĩ lại. Ảnh: Huỳnh Quỳnh.

Tái tư duy giải phóng chúng ta khỏi gông cùm của môi trường thân thuộc

Trong phần tiếp theo của cuốn sách, tác giả Adam Grant đã giúp chúng ta tư duy như những nhà khoa học để tìm ra cách tái tư duy đúng đắn, không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho những người xung quanh. Adam Grant chỉ cho chúng ta thấy lợi ích của sự nghi ngờ và đôi khi nên xem xét lại những niềm tin đã cố hữu trong tâm trí mình bấy lâu nay.

“Chúng ta cần tính khiêm nhường để suy xét lại những cam kết trước đây của mình; cần sự hoài nghi để chất vấn những quyết định hiện tại và cần óc tò mò để tái hình dung các kế hoạch của tương lai.

Những khám phá mới trên hành trình này có thể giải phóng chúng ta khỏi gông cùm của môi trường thân thuộc và những phiên bản trước đây của chính mình”, tác giả sách viết.

Theo Adam Grant, tái tư duy được coi là yếu tố cơ bản của mỗi nhà khoa học. Khi họ được trả lương để liên tục nhận biết về những giới hạn hiểu biết của mình. Những nhà khoa học luôn được kỳ vọng phải hoài nghi về điều đã biết, say mê tìm hiểu điều chưa biết và làm mới góc nhìn bản thân dựa trên các dự liệu mới.

Với lối tư duy ấy, họ sẽ không bao giờ giới hạn những hiểu biết của mình trong một khuôn khổ hạn định. Cũng theo Adam Grant, chúng ta hoàn toàn có thể hướng bản thân đến lối tư duy như những nhà khoa học mà không nhất thiết phải là một nhà khoa học chuyên nghiệp.

Khi ở chế độ tư duy của nhà khoa học, chúng ta từ chối để các quan điểm cá nhân trở thành hệ tư tưởng. Chúng ta không bắt đầu bằng việc đưa ra các câu trả lời hay giải pháp, mà bằng câu hỏi và vấn đề cần giải quyết. Chúng ta không thuyết giảng dựa trên trực giác, mà phổ biến tri thức dựa trên chứng cứ. Chúng ta không chỉ đưa ra các ý kiến phản biện mang tính xây dựng đối với những lý lẽ của người khác, chúng ta còn dám phủ nhận những lý lẽ của chính mình.

Cũng trong cuốn sách, Adam Grant đưa ra những cách đặt câu hỏi thú vị, giúp hướng những người xung quanh chúng ta tới việc tái tư duy trong suy nghĩ. Theo Adam, tranh cãi chưa bao giờ là phương pháp hiệu quả để thuyết phục ai đó lắng nghe theo ý kiến của mình và cũng không thể là cách thức đúng đắn giúp người khác nhận ra sự sai lầm trong ý kiến cá nhân của họ.

Lắng nghe và đặt câu hỏi thông minh sẽ là chìa khóa giúp không chỉ bạn mà những người xung quanh nhận ra những điều mình còn chưa biết và điều chỉnh nó sao cho hợp lý. Bởi đôi khi, mọi người không thay đổi ý kiến ​​vì họ muốn có quyền tự do của riêng họ hơn là thực sự không đồng ý, vì vậy điều quan trọng là hãy lắng nghe và cho họ quyền tự do đưa ra quyết định của riêng họ.

Tư duy thành công hay thất bại, bạn là người quyết định

Tư duy thành công chính là việc xác định trước cho mình một hướng đi duy nhất là tiến lên, sẵn sàng đối mặt với thất bại, chiến thắng những áp lực…

Giúp bạn tìm thấy phiên bản tốt hơn của chính mình

"Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống” dẫn dắt bạn đọc vào hành trình khám phá bản thân để họ tìm thấy phiên bản tốt hơn của chính mình.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm