Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà cửa lộn xộn, tư duy lộn xộn

Theo một nghiên cứu năm 2016, sự bừa bãi trong ngôi nhà có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân của chúng ta.

“Khi sự bừa bãi trở nên quá mức, nó có thể khiến người ta cảm thấy mắc kẹt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần trong một căn nhà rối loạn không gian chức năng. Điều này góp phần khiến con người rơi vào tâm trạng phiền muộn, xa lạ, bị ruồng bỏ”.

Tuy nhiên, khát khao tích trữ rất mạnh mẽ. Chúng ta cố gắng bấu víu vào những thứ đem lại cảm giác an toàn. Hoặc chúng ta có thể cảm thấy không nỡ từ bỏ những món đồ cũ kĩ bởi chúng gắn liền với danh tính của mình trong thế giới.

Theo các nhà tâm lý học, mong muốn tích trữ thường xuất hiện khi con người cảm thấy lo lắng, bất an. Chúng ta có thể không có khả năng kiểm soát tình huống, cách người khác đối xử với mình, nhưng chúng ta lại hoàn toàn có thể kiểm soát những món đồ lưu niệm giá rẻ mua trong một chuyến du lịch tới Anh cách đây chục năm, kể cả khi chúng nằm dưới một núi đồ lưu niệm khác.

Nhu cầu cất giữ đồ vật có thể hữu ích trong quá khứ, khi các chuỗi bán lẻ chưa phát triển như bây giờ, khi các công cụ hữu dụng thật sự tốn kém và khó mua. Nhưng ngày nay, khi hầu hết đồ nội thất đóng gói phẳng đều đi kèm một bộ khóa Allen, việc sở hữu thêm một bộ khóa Allen khác kích cỡ trở nên không cần thiết.

Chúng thậm chí bao gồm những quần áo không mặc vừa, đồ chơi cũ của bọn trẻ và sách vở chúng ta đã không động đến hàng năm trời.

Tuy nhiên xét về phương diện tâm lý, cái giá của việc tích trữ đồ đạc quanh mình rất cao. Không dễ để khám phá xem điều gì thực sự diễn ra ở đây, nhưng giáo sư tâm lý học Stephanie Preston tin rằng chúng ta tích trữ để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai.

Bà thực hiện những nghiên cứu trong đó các đối tượng tham gia đều bị xã hội xa lánh, và ghi chép lại ảnh hưởng của điều này lên hành vi sau đó của họ. Bà phát hiện ra, sau khi bị ruồng bỏ họ càng muốn có nhiều đồ vật hơn. Điều kì quặc là họ thích tích trữ những đồ vật thực dụng như đèn pin hay ba lô.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, con người có xu hướng lựa chọn đồ ăn không lành mạnh khi sống trong môi trường lộn xộn. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy khi bị đặt trong một căn bếp lộn xộn những người vốn có khả năng kiểm soát bản thân kém thường chọn ăn bánh quy.

Don gian hoa cuoc song anh 1

Sự bừa bãi trong ngôi nhà làm rối loạn không gian chức năng, khiến người ta cảm thấy mắc kẹt cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Nguồn: scarymommy.

Thêm vào đó, cũng có bằng chứng rằng sự lộn xộn trực quan sẽ cản trở khả năng nhận biết cảm xúc của bạn với các thành viên khác trong gia đình. Một nghiên cứu năm 2016 về những người đi xem phim, và ảnh hưởng của kích thích thị giác ngoại lai lên nhận thức của họ về những cảm xúc được diễn tả trên màn ảnh, chỉ ra rằng người xem sẽ cảm thấy khó khăn trong việc diễn giải các dấu hiệu không lời của diễn viên nếu phần nền của khung hình bị lộn xộn.

Một nghiên cứu năm 2010 phát hiện ra rằng, với những cặp đôi sống trong căn nhà chứa đầy những đồ vật không cần thiết; mức độ cortisol - một loại hormone gắn liền với stress - của phái nữ trong mối quan hệ đó có xu hướng tăng cao.

Như vậy, không chỉ khó coi, sự lộn xộn còn có thể khiến bạn không hạnh phúc, thúc đẩy bạn ăn những thức ăn nhiều calo, gây bất hòa trong gia đình, và khiến bạn căng thẳng hơn.

Trong những năm sống trong căn hộ nhỏ xíu đó, nếu tỉnh dậy và nhận thấy bát đĩa bẩn của tối hôm qua vẫn ở trong bồn rửa - một tình trạng lộn xộn tạm thời - tôi sẽ cảm thấy không muốn ra khỏi giường. Mặc dù chúng không thực sự cản trở tôi, hình ảnh đống xoong chảo đóng cặn, đầy dầu mỡ sẽ đè nặng lên tâm hồn tôi, như lời nhắc nhở về một công việc đáng lẽ phải hoàn thành từ hôm qua.

Paula kể rằng cô cảm thấy khó chịu khi liếc nhìn chiếc tủ trong phòng ngủ và ngay lập tức đập vào mắt là đống phấn mắt lỗi thời, những lọ kem dưỡng ẩm dùng dở bày bừa bộn trên mặt tủ. “Nó thật khó coi và khiến tôi rơi vào tâm trạng bực bội ngay khi ra khỏi giường”, cô nói.

“Cứ vài tháng tôi lại cố gắng tìm ra một cách để đưa mọi thứ vào trật tự - hiện giờ tôi đang định mua mấy kệ nhựa trong để bày son của mình - nhưng cái tủ luôn quay về tình trạng lộn xộn chỉ sau một vài tuần, và tôi lại cảm thấy bực bội, thất vọng với bản thân”.

Trong khi đó, Helen, một người bạn khác của tôi cảm thấy kinh ngạc với khả năng tích trữ những cuốn sách cô chẳng bao giờ đọc. “Tôi từng đọc rất nhiều, và mặc dù trong mấy năm gần đây cuộc sống trở nên ngày càng bận rộn khiến tôi không còn thời gian đọc, tôi vẫn thích mua sách. Hiện tại, thậm chí chẳng còn chỗ cho chúng trên giá sách, và chúng bắt đầu chất đống cạnh giường. Tôi bị vấp phải chúng khi đi trong nhà.”

Người ta rất dễ đạt đến điểm thực sự bị cản trở bởi các đồ vật họ sở hữu. Trong những năm đầu xây dựng gia đình, thu thập một chút đồ đạc có thể là điều thú vị. Nó đánh dấu sự trưởng thành của chúng ta: bộ cốc đầu tiên, tác phẩm nghệ thuật đầu tiên. Nhưng không lâu sau, sự nhiệt tình dành cho những món đồ đó trở nên quá mức.

Nếu bạn sống trong một ngôi nhà lớn, bạn có thể giấu đi vấn đề bằng cách đóng gói những cuốn sách, đĩa CD, DVD, cất chúng vào một căn phòng khác. Dù sao chúng vẫn ở đó. Bạn có thể tìm thấy chúng bất cứ lúc nào. Chúng chỉ không cản đường bạn nữa.

Giải pháp hiển nhiên ở đây đơn giản là loại bỏ sự lộn xộn, nghiêm khắc lựa chọn những vật dụng trong không gian sống của chúng ta, trao những hộp DVD lâu không dùng cho các cửa hàng từ thiện.

Mary Conroy / Tân Việt Books - NXB Dân trí

SÁCH HAY