Các VĐV đã đoạt huy chương vàng cho TTVN ngày 22/8: Đặng Nam (TDDC), Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm), Nguyễn Thị Hồng Anh (karatedo), Nguyễn Thị Thi (bi sắt), Nguyễn Thị Ánh Viên (2 HCV, bơi), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Lê Tú Chinh (điền kinh).
-
Vượt qua nỗi đau thất bại, Ánh Viên xuất sắc phá kỷ lục SEA Games
Phải chịu không ít áp lực sau cú sốc thất bại ở nội dung 200 m bướm sở trường nhưng Ánh Viên đã trở lại đầy mạnh mẽ để giành HCV và phá kỷ lục SEA Games nội dung 100 m bơi ngửa.
"Tiểu tiên cá" về đích đầu tiên với thành tích 1 phút 01 giây 89, xếp trên vận động viên về nhì người Indonesia gần 3 giây.
Thành tích này của Ánh Viên cũng đã phá kỷ lục SEA Games nội dung 100 m ngửa cho nữ. Kỷ lục cũ thuộc về nữ kình ngư Tao Li người Singapore với thành tích 1 phút 02 giây 96, được cô xác lập tại SEA Games 25 ở Lào. Ảnh: Hải An.
-
Ánh Viên phá thế thống trị 12 năm của bơi Singapore
“Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên đã lần đầu tiên giành HCV ở nội dung 100 m bơi ngửa tại SEA Games. Trên vạch đích, cô gái vàng của bơi lội Việt Nam tỏ ra rất xúc động.
Nội dung 100 m bơi ngửa không phải là thế mạnh của Ánh Viên ở đấu trường SEA Games. Đây là nội dung sở trường của huyền thoại Singapore Tao Li khi cô đã giành chiến thắng trong cả 6 kỳ SEA Games gần nhất ở nội dung này. Trong đó, Tao Li đã đánh bại Ánh Viên ở cả 2 kỳ SEA Games 2011 và 2013. Đến SEA Games 2015, Ánh Viên thậm chí phải bỏ nội dung này khi biết Tao Li vẫn tham dự.
Cơ hội cho Ánh Viên chỉ đến tại Malaysia 2017 khi Tao Li không tham dự nội dung này. Kình ngư Việt Nam đã về nhất với thời gian 1 phút 01 giây 89, bỏ xa VĐV đứng thứ hai Nurul Fajar Fitriyati (Indonesia) với thời gian 1 phút 04 giây 10. -
Cha mẹ Lê Nguyễn Paul từ Mỹ đến Malaysia xem con thi đấu SEA Games
Mẹ và cha dượng của Lê Nguyễn Paul (Oklahoma, Mỹ) có mặt tại sân vận động Bukit Jalil, Kuala Lumpur để cổ vũ nam kình ngư tranh tài tại SEA Games 29.
Lúc phấn khích, lúc trầm ngâm, liên tục cầu nguyện và nắm chặt tay nhau khi chứng kiến con trai thi tài trên đường đua xanh, cha mẹ Paul Lê Nguyễn cho biết hai người bay từ Oklahoma (Mỹ) tới Kuala Lumpur để xem nam kình ngư thi đấu.
"Chúng tôi đã ở đây 1 tuần. Nếu có thể, cả gia đình muốn ở đây với Paul. Thằng bé là niềm tự hào của chúng tôi", bà Lê cho biết. Ảnh: Ngân Giang.
-
Môn bơi - lịch thi đấu ngày 22/8: Kình ngư Ánh Viên tranh tài ở hai nội dung 200 m bơi ngửa và 400 m tự do nữ. Trong khi đó, các đồng đội nam tham dự 200 m ếch và 200 m bướm nam và nội dung tiếp sức 4x100 m tự do nam.
-
Môn bơi - Kim Sơn và Thành Bảo vào chung kết 200 m ếch nam: Đáng chú ý là Thành Bảo có thành tích tốt nhất vòng loại ở nội dung này, còn Kim Sơn xếp thứ 8 trong danh sách vào chung kết.
-
Môn bơi - Ngọc Huynh và Mẫn Đạt vào chung kết 200 m bướm nam: Hai kình ngư của đội tuyển bơi Việt Nam đều vượt qua vòng loại để vào chung kết. Ngọc Huynh đạt thành tích 2 phút 04 giây 97, trong khi Mẫn Đạt xếp thứ 8 trong danh sách với thời gian 2 phút 09 giây 39.
-
Môn bơi - Ánh Viên vào chung kết 400 m tự do nữ: "Tiểu tiên cá" của đội tuyển bơi Việt Nam kết thúc nội dung vào loại 400 m tự do nữ với thời gian 4 phút 18 giây 99, đồng thời dẫn đầu vòng loại. Sau khi vào chung kết 200 m ngửa nữ, đây là nội dung thi chung kết thứ hai của Ánh Viên diễn ra chiều nay.
-
Môn bơi - Ánh Viên vào chung kết 200 m ngửa nữ: Kết thúc vòng loại, Ánh Viên có thành tích tốt nhất. "Tiểu tiên cá" của thể thao Việt Nam sẽ thi chung kết vào chiều nay 22/8.
-
Môn bơi - Vũ Thị Phương Anh vào thi chung kết 50 m ếch nữ: Phương Anh thi lượt đầu tiên vòng loại với thành tích 33 giây 81 và xếp thứ 8 trong danh sách VĐV vào chung kết diễn ra chiều nay.
-
Tôi muốn học trò giỏi tới mức không thể bị chèn ép tại SEA Games
Huấn luyện viên Mai Xuân Lượng của đội tuyển karatedo tâm sự chuyện chủ nhà ưu ái vận động viên nước họ là không thể tránh khỏi.
"Không thể có 100% công bằng trong thể thao, nhất là tại những kỳ thi đấu như SEA Games. Đáng buồn nhưng đó là sự thật", người có nhiều năm đi theo tuyển karatedo cho biết.
"Nếu hai bên chỉ ngang cơ 50:50, giám khảo có thể mắt nhắm mắt mở, nhưng một khi ta đã vượt trội, sự thật rành rành ra đó, có muốn đổi trắng thay đen cũng khó. Tôi muốn các em giỏi tới mức không thể bị xử ép tại SEA Games", ông Lượng khẳng định.
-
Môn bơi: Ánh Viên chuẩn bị bước vào chung kết 200 m ngửa nữ. Đây là nội dung tranh HCV ở môn bơi trong chiều hôm nay 22/8.
-
Môn bơi: Ánh Viên dẫn đầu sau 50 m đầu tiên và kết thúc 100 m với thành tích 1 phút 04 giây 05.
-
Môn bơi - Ánh Viên giành HCV: Ở chung kết 200 m ngửa nữ, Ánh Viên giành HCV với thời gian 2 phút 13 giây 16, đồng thời phá kỷ lục SEA Games
-
Môn bơi: Ánh Viên tiếp tục gây ấn tượng khi phá kỷ lục SEA Games ở ngày thi đấu thứ hai của môn bơi. Chiều 22/8, "tiểu tiên cá" của đội tuyển bơi Việt Nam kết thúc chung kết 200 m ngửa nữ với thời gian 2 phút 13 giây 64. Đây là kỷ lục mới của nội dung này, trong khi đó kỷ lục cũ là 2 phút 14 giây 12.
-
Môn bơi: Ở chung kết nội dung 200 ếch nam, Kim Sơn (xếp thứ 7, 2 phút 18 giây 20) và Thành Bảo (xếp thứ 5, 2 phút 16 giây 51) không lọt nhóm có huy chương.
-
Môn bơi: Kim Sơn và Thành Bảo nỗ lực thi chung kết 200 m ếch nam nhưng không thể mang về huy chương cho đội tuyển bơi Việt Nam. Ảnh: Hải An.
-
Môn bơi: Ở chung kết 50 m ếch nữ, Phương Anh cũng không lọt vào nhóm có huy chương khi xếp cuối trong 8 VĐV tham dự với thành tích 33 giây 31.
-
Môn bơi: Không thi đấu chiều nay 22/8, nhưng Lê Nguyễn Paul và cha mẹ vẫn có mặt để cổ vũ cho đồng đội. Trong khi đó, đường đua xanh lại vắng bóng cổ động viên Việt Nam. Ảnh: Ngân Giang.
-
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: 'Kỷ lục của Ánh Viên là vô cùng đáng giá'
“HCV đã là rất đáng khen ngợi, nhưng phá kỷ lục thì bao giờ cũng mang một giá trị rất khác biệt. Nó tạo ra những cái mốc để thúc đẩy môn thể thao đó, nội dung đó phát triển hơn. Ánh Viên, theo tôi, đã phải rất nỗ lực để chứng tỏ mình không bị ảnh hưởng tâm lý bởi kết quả trước đấy. Không nhiều VĐV có thể vượt qua được khi rơi vào trạng thái như của Ánh Viên ngày hôm qua”, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh nhận xét.
-
Ánh Viên phá thế thống trị 12 năm của bơi Singapore
Ngày hôm qua 21/8, “Tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên đã lần đầu tiên giành HCV ở nội dung 100 m bơi ngửa tại SEA Games. Trên vạch đích, cô gái vàng của bơi lội Việt Nam tỏ ra rất xúc động.
Nội dung 100 m bơi ngửa không phải là thế mạnh của Ánh Viên ở đấu trường SEA Games. Đây là nội dung sở trường của huyền thoại Singapore Tao Li khi cô đã giành chiến thắng trong cả 6 kỳ SEA Games gần nhất ở nội dung này. Trong đó, Tao Li đã đánh bại Ánh Viên ở cả 2 kỳ SEA Games 2011 và 2013. Đến SEA Games 2015, Ánh Viên thậm chí phải bỏ nội dung này khi biết Tao Li vẫn tham dự.
Cơ hội cho Ánh Viên chỉ đến tại Malaysia 2017 khi Tao Li không tham dự nội dung này. Kình ngư Việt Nam đã về nhất với thời gian 1 phút 01 giây 89, bỏ xa VĐV đứng thứ hai Nurul Fajar Fitriyati (Indonesia) với thời gian 1 phút 04 giây 10. Thành tích của Ánh Viên cũng vượt qua kỷ lục SEA Games do chính Tao Li từng xác lập (1 phút 02 giây 11). Ảnh: Tùng Lê.
-
Ánh Viên phá kỷ lục SEA Games nội dung 200 m bơi ngửa
Sau khi phá kỷ lục nội dung 100 m ngửa nữ, ở chung kết 200 m ngửa nữ diễn ra chiều 22/8, Ánh Viên giành HCV với thời gian 2 phút 13 giây 16, đồng thời phá kỷ lục cũ của SEA Games là 2 phút 14 giây 12.
-
Môn bơi: Ánh Viên trên bục nhận HCV nội dung 200 m ngửa nữ. Đây là HCV thứ hai mà "tiểu tiên cá" của đội tuyển bơi Việt Nam giành được tại SEA Games 29. Ảnh: Hải An.
-
Niềm hy vọng Ánh Viên
Cách đây 2 năm tại Singapore, Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử SEA Games khi trở thành VĐV giàu thành tích cá nhân nhất trong một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á với 8 HCV. Dù chỉ tiêu thành tích huy chương năm nay xác định cao hơn cột mốc 8 HCV, nữ kình ngư sinh năm 1996 vẫn tỏ ra tự tin và không bị áp lực.
"Thật ra tôi không đọc và quan tâm nhiều tới báo chí nên không có cảm thấy bị áp lực. Lúc này, tôi cảm thấy tự tin và đạt 100% phong độ. Tuy nhiên, tôi thi đấu nhiều nội dung, có nội dung chỉ cách nhau 10 phút. Vì vậy không dám chắc là sẽ đạt thành tích tốt ở tất cả các nội dung nhưng cố gắng đạt chỉ tiêu huy chương", Ánh Viên chia sẻ.
-
Môn bơi: Ngọc Huynh và Mẫn Đạt bước vào thi chung kết 200 m bướm nam. Đội tuyển bơi Việt Nam hy vọng có huy chương ở nội dung này.
-
Môn bơi: Ở chung kết 200 m bướm nam, sau 100 m đầu tiên, Nguyễn Ngọc Huynh có mặt trong top 3 VĐV dẫn đầu. Anh vươn lên xếp thứ 2 sau 150 m. Đáng tiếc là Ngọc Huynh lại không lọt nhóm VĐV giành huy chương sau 200 m.
-
Ông bà nội vui mừng khi xem Ánh Viên đạt huy chương vàng. Video: Quang Đức.
-
Điền kinh: Nguyễn Thị Huyền khởi động, chuẩn bị bước vào nội dung 400 m rào nữ, hiện chị là ĐKVĐ SEA Games
-
Môn bơi: Sau 100 m đầu tiên, Ánh Viên bỏ xa vận động viên xếp thứ hai tới gần 1 giây. Khoảng cách được nâng lên 1,69 giây sau 150 m. Thời gian sau 200 m là 2 phút 03 giây 13.
-
Môn bơi - Ánh Viên giành HCV: Kết thúc chung kết 400 m tự do nữ, Ánh Viên giành HCV với thời gian 4 phút 10 giây 96, nhưng không phá được kỷ lục SEA Games ở nội dung này.
-
Điền kinh - Nguyễn Thị Huyền giành HCV: Ở chung kết nội dung 400 m rào nữ, Nguyễn Thị Huyền giành HCV với thời gian 56 giây 06, đồng thời phá kỷ lục SEA Games Ảnh: Hải An.
-
Điền kinh: Hai vận động viên Quách Công Lịch và Phan Khắc Hoàng bước vào thi chung kết nội dung 400 m rào nam.
-
Điền kinh: Quách Công Lịch thực hiện cú bứt tốc rất ấn tượng ở những mét cuối, nhưng đáng tiếc là anh chỉ giành HCB ở nội dung 400 m rào nam với thời gian 50 giây 05, còn HCV thuộc về vận động viên của Philippines (50 giây 03).
-
Điền kinh: Ở kỳ SEA Games trước diễn ra tại Singapore năm 2015, Công Lịch cũng thua VĐV gốc Mỹ của Philippines ở những mét cuối nội dung 400 m rào nam và cũng chỉ giành HCB.
-
Điền kinh: Nguyễn Thị Huyền là vận động viên mang về HCV đầu tiên cho đội tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 29. Chị còn phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400 m rào nữ với thời gian 56 giây 06. Ảnh: Hải An.
-
Điền kinh: Quách Công Lịch ôm mặt tiếc nuối sau khi nghe thông báo kết quả. Lần thứ hai liên tiếp anh thất bại ở chung kết nội dung 400 m rào nam SEA Games trước vận động viên gốc Mỹ của Philippines. Ảnh: Hải An.
-
Điền kinh: Vận động viên Võ Vũ Linh bước vào lượt chạy đầu tiên bán kết nội dung 800 m nam.
-
Điền kinh: Võ Vũ Linh chỉ xếp thứ 5 với thời gian 1 phút 53 giây 83 trên tổng 6 VĐV dự lượt chạy bán kết thứ nhất nội dung 800 m nam. Ảnh: Hải An.
-
Điền kinh: Dương Văn Thái xuất phát ở đường chạy số 3 của lượt bán kết thứ hai nội dung 800 m nam
-
Điền kinh: Văn Thái cán đích đầu tiên ở lượt thứ hai bán kết chạy 800 m với thành tích 1 phút 55 giây 08. Anh cùng đồng đội Võ Vũ Linh vào chung kết.
-
Điền kinh: Dương Văn Thái thực hiện pha bứt tốc để băng băng về đích. Anh kết thúc nội dung thi bán kết 800 m với thời gian 1 phút 55 giây 08. Ảnh: Hải An.
-
Nguyễn Thị Huyền: ‘Tôi may mắn khi nhiều người thương mình’
Tối 22/8, Nguyễn Thị Huyền đã xuất sắc giành HCV đồng thời vượt kỷ lục tại nội dung 400 m rào nữ với thời gian 56 giây 07 (56''07). Cô vượt qua thành tích của chính mình cách đây 2 năm (56''15). Đây là chiến thắng ngọt ngào của VĐV sinh năm 1993 bởi thời gian qua cô thường xuyên bị ngờ vực về phong độ cũng như cuộc sống cá nhân.
"Mọi người đều biết sau SEA Games 28, thầy trò tôi có chút trục trặc. Lúc đó, tôi còn quá trẻ để có thể biết hết mọi điều. Sau đó tôi mới hiểu rằng, mọi điều thầy làm là vì lo cho tôi. Thầy có những câu nói này kia cũng vì muốn thức tỉnh tôi. Tôi cũng rất thương thầy vì những gì thầy đã làm cho mình", VĐV sinh năm 1993 tâm sự.
-
Điền kinh: Nguyễn Thị Huyền trên mục nhận HCV nội dung 400 m rào nữ. “Không thể có lời nào để diễn tả cảm xúc của tôi lúc này khi giành được HCV. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc sau những gì đã diễn ra với tôi thời gian qua. Tôi có một chút lo lắng trước khi bước vào cuộc thi. Bởi mọi người điều biết một thời gian phong độ của tôi đi xuống, cũng như gặp chấn thương", Nguyễn Thị Huyền tâm sự sau khi về đích.
-
Điền kinh: Lê Thị Mộng Tuyền và Lê Tú Chinh chuẩn bị bước vào chung kết nội dung 100 m nữ.
-
Điền kinh - Tú Chinh giành HCV: Ở làn chạy số 6, Tú Chinh xuất phát, bứt tốc rất tốt và cán đích đầu tiên để giành HCV với thành tích 11 giây 56, nhưng không thể phá kỷ lục SEA Games.
-
Điền kinh: Thành tích của 8 vận động viên dự chung kết 100 m nữ. Tú Chinh là người cán đích đầu tiên với thời gian 11 giây 56, trong khi đồng đội Mộng Tuyền đạt thành tích 11 giây 90. Đây là HCV thứ hai của đội tuyển điền kinh tại SEA Games 29. Trước đó, Nguyễn Thị Huyền đoạt HCV ở nội dung 400 m rào nữ.
-
Điền kinh: Tú Chinh không làm ban huấn luyện và người hâm mộ thất vọng khi giành HCV nội dung chạy 100 m nữ ở SEA Games 29.
Lê Tú Chinh sinh năm 1997 tại TP.HCM, là công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016. Cũng trong năm này, cô đoạt 7 HCV quốc gia và quốc tế (HCV nội dung 200 m nữ giải vô địch trẻ châu Á, HCV 100 m, 200 m giải vô địch quốc gia). Ảnh: Hải An.
-
Điền kinh: Bùi Thị Xuân giành HCB nội dung ném lao nữ với thành tích 52.50 điểm, trong khi đó HCV thuộc về VĐV của Thái Lan (55.04 điểm).
-
Điền kinh: Quách Công Lịch trên bục nhận HCB. Đây là kỳ SEA Games thứ hai liên tiếp anh chịu thua VĐV gốc Mỹ của Philippines Cray Iric Shauwn. Ảnh: Hải An.
-
Tú Chinh bỏ Facebook, không hẹn hò để săn vàng SEA Games
Không nhiều người biết rằng nhà tân vô địch nội dung 100 m Lê Tú Chinh từng cảm thấy áp lực tới nỗi phải khóa mạng xã hội để toàn tâm, toàn ý tập trung cho mục tiêu giành HCV.
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn, Lê Tú Chinh đã dễ dàng giành chiến thắng ở nội dung 100 m nữ với thành tích 11 giây 56. Kết quả của Tú Chinh vẫn kém thành tích của chính cô ở vòng loại (11 giây 49) và không đủ để vượt qua kỷ lục 11 giây 28 của SEA Games. Ảnh: Hải An.
-
Điền kinh: Lê Tú Chinh trên bục nhận HCV nội dung 100 m nữ ở SEA Games 29.
Chị sẽ còn có cơ hội nâng cao thành tích trong ít ngày tới với nội dung 200 m. Thành tích của Tú Chinh ở giải Thái Lan mở rộng hồi tháng 6 là 23 giây 52 trong khi ĐKVĐ SEA Games Veronica Pereira (Singapore) chỉ đạt 23 giây 74. Ở Singapore 2 năm trước, Pereira cũng chỉ có thành tích 23 giây 60. Ảnh: Hải An.
Danh sách VĐV của đoàn Việt Nam giành HCV tại SEA Games 29 tính đến 18h 22/8
- Lê Tú Chinh (điền kinh, 100 m nữ)
- Nguyễn Thị Huyền (điền kinh, 400 m rào nữ)
- Nguyễn Thị Thi (bi sắt)
- Nguyễn Thị Hồng Anh (karatedo - kumite nữ 68 kg)
- Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm - kiếm 3 cạnh nữ)
- Đặng Nam (thể dục dụng cụ - vòng treo)
- Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi - 100 m ngửa nữ, 200 m ngửa nữ, 400 m tự do nữ)
- Dương Thúy Vi (2 HCV wushu - thương thuật, kiếm thuật nữ)
- Nguyễn Thị Thật (đua xe đạp - Criterium)
- Vũ Thành An (đấu kiếm- kiếm chém nam)
- Phương Giang (wushu - côn thuật nữ)
- Chu Đức Anh (bắn cung - cung 1 dây nam)
- Đồng đội nam TDDC