"Kế hoạch đó cũng nằm trong mục tiêu của Philippines. Chúng tôi sẽ cố gắng", Chủ tịch POC Abraham Tolentino trả lời trên kênh Radyo Inquirer khi được hỏi liệu Philippines có lên kế hoạch đăng cai ASIAD, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phục vụ cho SEA Games 30 chưa hoàn thiện.
Ông Tolentino cũng bày tỏ sự bối rối khi cho rằng nhiều người đã phóng đại những sự cố trong công tác tổ chức SEA Games 30 của nước chủ nhà Philippines.
"Thật khó hiểu khi có nhiều người đang làm cho chuyện bé xé ra to, thay vì hợp tác với chúng tôi để đảm bảo lợi ích cho các vận động viên và nước chủ nhà", ông nói.
Phòng họp báo sau trận đấu được bố trí tạm bợ, sơ sài tại Philippines. Ảnh: Siam Sport. |
Ông nói thêm rằng những trục trặc về vấn đề sinh hoạt của các vận động viên từ di chuyển, chỗ ở, chất lượng và nguồn cung cấp thực phẩm đến cơ sở hạ tầng đều là những điều bình thường khi tổ chức một kỳ SEA Games diễn ra hai năm một lần. Tolentino khẳng định những vấn đề này đã được giải quyết.
Người đứng đầu Ủy ban Olympic nước này cũng ca ngợi SEA Games 2019 phá vỡ kỷ lục của các kỳ đại hội thể thao khu vực trong lịch sử, với 56 môn được tổ chức thi đấu cùng nguồn ngân sách 7,5 tỷ peso (khoảng 3.400 tỷ đồng).
Theo Tolentino, các kỳ SEA Games trước đây diễn ra ở Singapore, Malaysia và Indonesia chỉ tổ chức 30-45 môn thể thao nhưng tiêu tốn nguồn ngân sách lớn gấp đôi.
Trước đó, truyền thông khu vực nhiều lần phản ánh khâu tổ chức, chuẩn bị cho SEA Games của chủ nhà Philippines thiếu chuyên nghiệp, khiến nhiều đoàn thể thao phải lên tiếng về việc không được đảm bảo điều kiện sinh hoạt và thi đấu.
Công tác hậu cần, tiếp đón các đội tuyển của nước chủ nhà cũng vấp phải chỉ trích. Cầu thủ U22 Campuchia phải ngủ trên thảm của khách sạn, U22 Timor-Leste phải di chuyển bằng xe chở học sinh và thường xuyên chịu cảnh tắc nghẽn giao thông.