Hình ảnh tại hội sách Bologna 2019. Ảnh: BCBF. |
Kết thúc mỗi hội sách, chúng tôi luôn có thói quen đi thăm một số nhà sách lớn, một số thư viện và đến thăm một số đơn vị xuất bản là đối tác. Chuyến đi hội sách thiếu nhi Bologna cũng vậy mà các chuyến đi Frankfurt hay London vẫn thế.
Và rồi tôi ngồi tổng kết lại, chiêm nghiệm lại, quán chiếu lại kết quả chuyến đi, nhìn lại công ty mình và hội sách ở Việt Nam.
Quảng bá, bán vé cho hội sách từ một năm trước
Trước mỗi chuyến đi các hội sách lớn, chúng tôi đều ngồi xem lại kết quả, các con số, dữ liệu của chính hội sách đó của năm trước.
Ví dụ trong hội sách Frankfurt của năm 2022 với sự tham gia trưng bày sách của hơn 4.000 đơn vị xuất bản và 93.000 khách mời và chuyên gia đến từ 121 quốc gia, 6.400 phóng viên và chuyên gia truyền thông đến từ 63 nước, với 2.230 sự kiện đã giới thiệu rất nhiều về hội sách của 2023 sẽ diễn ra 18-22/10.
Chúng ta thấy, trước ít nhất một năm, ban tổ chức đã bắt đầu bán vé cho hội sách năm sau. Và dĩ nhiên, những ai mua vé đến dự từ sớm được giảm giá.
Tương tự, các đơn vị xuất bản nào đăng ký gian hàng cho năm tới cũng nhận được giá ưu đãi. Kết quả là cả ban tổ chức hội sách, lẫn các quốc gia và đơn vị xuất bản muốn tham gia trưng bày, triển lãm cũng như những chuyên gia trong ngành hoàn toàn chủ động trong lịch làm việc và kế hoạch của mình!
Tôi vẫn nhớ rất rõ rằng tại hội sách London năm ngoái 2022, ban tổ chức đã quảng bá giới thiệu về hội sách của năm nay sẽ diễn ra 18-20/4. Còn hội sách Bologna diễn ra 6-9/3 của năm nay đã và đang quảng bá, giới thiệu khá sâu rộng về hội sách của năm 2024, diễn ra 8-11/4.
Việc làm này cực kỳ quan trọng, không chỉ để cả thế giới biết đến, không chỉ để các đơn vị xuất bản, khách mời, chuyên gia xếp lịch và lên kế hoạch từ sớm, chủ động mà còn tránh lịch hội sách của các nước trùng nhau.
Một ví dụ rất cụ thể là 2 hội sách London và Bologna luôn diễn ra trong tháng 3 và tháng 4. Có năm London diễn ra trước. Có năm London lại tổ chức sau. Điều này giúp cho các chuyên gia, các lãnh đạo có thể thu xếp lịch để dự cả 2 hội sách vì đối tượng trưng bày và mua bán bản quyền của 2 hội sách khác nhau, khi Bologna chỉ tập trung riêng vào sách thiếu nhi.
Đấy là các hội sách lớn của thế giới. Các quốc gia trong khối ASEAN của chúng ta cũng quảng bá sớm. Tại hội sách Frankfurt 2022, Thái Lan đã quảng bá và giới thiệu về hội sách 2023 của họ sẽ diễn ra từ 30/3 đến 4/4 tới. Điều này giúp cho ít nhất là các nước khác trong khối như Singapore, Malaysia, Philippines, Myanmar… sẽ xếp lịch để hội sách nước họ không bị trùng với lịch của hội sách Bangkok.
Điều này cũng giúp công ty sách Thái Hà chúng tôi cũng đã xếp lịch để 8 thành viên công ty sách Thái Hà sẽ đi hội sách Bangkok 2023 ngay từ cuối năm 2022, có kế hoạch trước rất rõ trước khi đón năm mới. Rồi những bạn nào trong công ty muốn và sẽ đi các hội sách Frankfurt, London, Bologna, Bắc Kinh, Tokyo hay Istanbul, Jakarta đã biết rõ lịch và chuẩn bị tốt nhất cho chuyến công tác năm tới của mình. Để hiệu quả nhất, đỡ lãng phí thời gian và tiền bạc.
Năm 2022, Tây Ban Nha là Khách mời Danh dự tại Hội sách Frankfurt. Vua Felipe VI và Hoàng hậu Letizia của Tây Ban Nha tham gia ngày khai mạc hội sách để quảng bá nền xuất bản nước này ra thế giới. Ảnh: FB. |
Khách mời danh dự
Một chi tiết nữa là các hội sách lớn của thế giới luôn có Khách mời Danh dự - Guest of Honour. Họ luôn xếp lịch trước 2-3 năm. Ví dụ hội sách Frankfurt luôn công khai Khách mời Danh dự của 3 năm tới.
Ít nhất các hội sách năm nay luôn công bố Guest of Honour của năm sau. Chẳng hạn Slovenia sẽ là Khách mời Danh dự của hội sách Bologna 2024 sang năm. Để ngay bây giờ, ngay lúc này, bất cứ ai cũng có thể đọc công khai các thông tin về ngành xuất bản của nước họ.
Quốc gia Khách mời Danh dự cũng công bố thành viên ban tổ chức của chương trình năm tới, mục tiêu và khẩu hiệu của họ. Cụ thể như Slovenia trong những ngày qua đã ra mắt và giới thiệu 14 thành viên ban tổ chức do Judita Krivec Dragan, bộ Văn hóa Slovenia làm trưởng ban.
Họ có một năm cho công tác chuẩn bị. Các đối tác, các nhà xuất bản, tác giả, dịch giả, họa sĩ, các nhà văn, nhà thơ… có thể công khai liên lạc, bàn bạc, đóng góp ý kiến, sáng kiến và cùng tập trung cho sự xuất hiện tốt nhất của chính họ. Tất cả luôn đặt tính hiệu quả lên hàng đầu.
Một thói quen thú vị rằng sau khi tham gia mỗi hội sách, lãnh đạo công ty sách Thái Hà chúng tôi lại ngồi lại với nhau để tổng kết các kết quả thu hoạch được. Sau hội sách Bologna hiện nay, hoặc sau hội sách London, Bangkok và các hội sách khác sắp tới cũng vậy.
Khi đi ra biển lớn, chúng tôi, những người tâm huyết và đam mê với sách, muốn quảng bá văn hóa đọc tới gần 100 triệu dân Việt Nam, luôn học được rất nhiều bài học quý. Nhiều lắm. Trong đó, mình biết rõ tình hình xuất bản hiện nay trên thế giới, trong khu vực cũng như xu hướng trong tương lai. Biết vậy để có kế hoạch rõ ràng. Biết vậy để chủ động thay đổi chính mình theo lý thuyết Marketing 4C của thời nay cũng như 4P của thế kỷ trước.
Trong lịch sử ngành xuất bản Việt Nam tôi vẫn ấn tượng với hội sách Hà Nội cách đây vài năm. Hội sách diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long và là hội sách quốc tế. Các bạn nước ngoài rất ấn tượng. Khi nhiều nước trên thế giới vào tham dự, có gian trưng bày sách và mua bán bản quyền, tham gia trực tiếp vào một số hội thảo, tọa đàm, giao lưu.
Cũng trong khuôn khổ hội sách này đã diễn ra phiên họp thường niên của Hiệp hội Xuất bản ASEAN tại thủ đô Hà Nội. Các bạn trong khối rất nhớ và luôn rất muốn quay lại Việt Nam, muốn có mặt tại hội sách quốc tế ở Việt Nam, dù ở Hà Nội hay TP.HCM.
Trong những ngày vừa qua, khi bất cứ đối tác nào hỏi, tôi đều giới thiệu về sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 4.
Tôi cũng khoe với bạn bè quốc tế rằng Việt Nam chuẩn bị có thêm một phố sách, không gian công cộng dành cho sách.
Các đối tác và các nhà xuất bản trên thế giới phản hồi nếu năm nay Việt Nam không tổ chức hội sách quốc tế thì họ sẽ vào dự và cảm nhận phố sách này. Vui thay! Đối với tôi, mang phố sách của Việt Nam chúng ta đi giới thiệu, đi khoe với năm châu bốn biển chưa bao giờ là cũ vì luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Thật sự là vậy!
Ngồi đây và lúc này, tôi mong về một thành phố của Việt Nam sẽ là Thủ đô Sách Thế Giới - World Book Capital.