Mô hình đường sách, lễ hội đường sách Tết ở TP.HCM luôn thu hút đông đảo sự hưởng ứng của người dân và du khách. Ảnh: Liêu Lãm. |
Sáng 17/2, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Lâm Đình Thắng đã chia sẻ tham luận về phát triển văn hóa đọc tại TP.HCM. Theo đó, ông đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký trở thành Thủ đô sách Thế giới vào năm 2025.
Theo ông, đây là một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ông cho rằng thông qua những chính sách do Nhà nước ban hành để thực hiện mục tiêu đạt danh hiệu thủ đô sách thế giới, ngành xuất bản sẽ được nâng tầm, văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ. Ông Lâm Đình Thắng cho biết Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM sẽ nghiên cứu kỹ các tiêu chí.
Những tiêu chí được đặt ra để giúp thành phố đạt danh hiệu này, theo ông, sẽ là một động lực lớn cho ngành xuất bản thành phố.
Ý kiến này được Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đặc biệt ủng hộ. Ông nói: "Chúng tôi rất ủng hộ sáng kiến đề nghị UNESCO công nhận TP.HCM trở thành thủ đô sách thế giới. Đây là một ý kiến rất tốt. Ban tuyên giáo chắc chắn ủng hộ. Sở hãy bàn với ban tuyên giáo tỉnh ủy để đưa ra một đề xuất cụ thể, để xem cần thực làm gì, chúng tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ".
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Lâm Đình Thắng nhắc đến việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa đọc, phát triển không gian văn hóa đọc cộng đồng, từng bước xóa bỏ những chênh lệch trong vấn đề hưởng thụ văn hóa nói chung và văn hóa đọc nói riêng giữa các khu vực...
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM đề xuất biến TP.HCM thành thủ đô sách thế giới. Ảnh: Duy Anh. |
TP.HCM là “điểm sáng” cho sự phát triển văn hóa đọc
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết từ năm 2015 đến năm 2021 bình quân mỗi năm, Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất bản, phát hành xấp xỉ 15.000 tựa sách với hơn 2 triệu bản và tăng dần theo mỗi năm, tốc độ gia tăng hàng năm khoảng 10%. Riêng trong năm 2022, hai nhà xuất bản của thành phố là Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM và Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt 2.632 tựa sách, tương đương hơn 5 triệu bản sách.
Tại TP.HCM, thị trường xuất bản điện tử cũng phát triển mạnh mẽ. Có thể kể đến những nền tảng như Sachweb.com, KOMO, VoizFM, Fonos thu hút nhiều lượt truy cập. Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, năm qua, ngành đã xuất bản 3.224 xuất bản phẩm điện tử, thu hút hơn 4 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 3,4 triệu bản sách được đọc), tăng 312% so với năm 2021.
TP.HCM không những là trung tâm kinh tế, văn hóa trọng điểm của cả nước, mà còn là điểm sáng cho sự phát triển văn hóa đọc.
Ông Lâm Đình Thắng
Ông khẳng định TP.HCM không những là trung tâm kinh tế, văn hóa trọng điểm của cả nước, mà còn là "điểm sáng" cho sự phát triển văn hóa đọc, đường sách là "mô hình văn hóa đọc đầu tiên của cả nước hoạt động một cách hiệu quả, theo đúng tôn chỉ".
Hiện thành phố có hơn 141 đơn vị phát hành, gần 1.000 cửa hàng sách tư nhân, hệ thống thư viện rộng khắp, phân bổ trên địa bàn cơ sở, địa phương với 1.509 thư viện, trong đó có 21 thư viện thuộc quản lý của Trung tâm Văn hóa quận, huyện và 3 thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa Thành phố Thủ Đức; 322 thư viện cấp phường, xã, 1.158 thư viện trường học.
Bên cạnh đó, thành phố này còn có những mô hình, địa điểm, công trình văn hóa gắn liền với văn hóa đọc. Những con đường sách, công viên sách, cà phê sách là “điểm tựa, nét son” và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hạ tầng của ngành xuất bản và phát hành của thành phố.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm rằng đã nhiều lần, các đơn vị xuất bản thuộc TP.HCM cử đoàn tham gia các Hội sách quốc tế FrankFrurt, Hội sách quốc tế Saint Petersburg... giới thiệu đến bạn đọc thế giới những tác phẩm kinh điển, giá trị về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Ông nhận định: "Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực xuất bản sách giữa Việt Nam và các nước là rất lớn".