Ngày 15/12, lễ chuyển giao chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) trong nhiệm kỳ hai năm 2022-2023 cho Hội Xuất bản Việt Nam diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng ban Đối ngoại Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty Thái Hà Books, người từng có nhiều năm tham dự các hoạt động của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á - chia sẻ về những thành tựu giới xuất bản đã làm được khi là thành viên của tổ chức này.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề xuất một số sáng kiến giúp ngành xuất bản trong nước cùng các quốc gia trong khu vực phát triển trong thời gian tới.
Sân chơi cho ngành xuất bản Đông Nam Á
- Từng tham gia nhiều hoạt động của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, ông cho biết tổ chức này đã kết nối giới xuất bản trong khu vực ra sao?
- Ngày 31/8/2005, tại Philippines, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á được thành lập với 6 thành viên đầu tiên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Sau này, các quốc gia còn lại ở Đông Nam Á lần lượt được kết nạp.
Tôi tham gia khá đầy đủ các phiên họp thường niên và không thường niên của hiệp hội từ năm 2014 đến nay. Tôi nhận thấy rất rõ đây là sân chơi duy nhất cho ngành xuất bản của các quốc gia Đông Nam Á.
Hàng năm, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á đều diễn ra ít nhất hai phiên họp: Một phiên chính thức do quốc gia giữ cương vị chủ tịch ABPA đăng cai và một phiên tại Frankfurt (Đức) trong khuôn khổ Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt.
Hiệp hội đã kết nối ngành xuất bản các quốc gia trong khối ASEAN, lên kế hoạch cho các sự kiện chung, gửi các văn bản kiến nghị đến các chính phủ đề nghị hỗ trợ hoặc giải quyết những vấn đề liên quan xuất bản cho từng quốc gia hoặc cả khối.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á còn giúp trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức xuất bản, tổ chức diễn đàn xuất bản ASEAN trên thế giới.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Đối ngoại, Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
- Sự xuất hiện của ABPA đã giúp ngành xuất bản các nước thành viên khu vực Đông Nam Á phát triển như thế nào trong những năm qua, thưa ông?
- Nhờ có Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, các quốc gia thành viên học hỏi được lẫn nhau nhiều điều. Hiệp hội tổ chức nhiều sân chơi, hội thảo, hội nghị để các nhà xuất bản trong khối làm việc, liên kết và cùng nhau xuất bản sách.
Các hội sách của từng quốc gia thành viên cũng luôn được cả khối hỗ trợ và hợp tác. Những nước có nền công nghiệp xuất bản chưa phát triển sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những nước có nền công nghiệp xuất bản mạnh hơn, nhất là động lực, định hướng và kế hoạch phát triển.
- Những kết quả nào khiến ông ấn tượng nhất?
- Trải qua nhiều lần tham dự trong các sự kiện của hiệp hội, tôi rất ấn tượng với kết quả của hai diễn đàn xuất bản "ASEAN Forum" do Hội Xuất bản Philippines tài trợ tại Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt hai năm liền. Tôi tham dự với tư cách diễn giả.
Bên cạnh đó, tôi còn ấn tượng khi hình ảnh các nước ASEAN cùng có mặt, hỗ trợ Indonesia khi đây là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN trở thành khách mời danh dự của Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt năm 2015 và Hội chợ Sách quốc tế London năm 2019. Tôi cũng nhớ mãi sự đoàn kết của khối khi cùng ủng hộ Kuala Lumpur là Thủ đô Sách thế giới năm 2020.
Cơ hội học hỏi cho ngành xuất bản Việt Nam
- Theo ông, giới xuất bản Việt Nam sẽ gặp những khó khăn và thuận lợi gì khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch luân phiên của ABPA?
- Đây là vinh dự và trách nhiệm rất lớn của Việt Nam vì chúng ta sẽ điều hành hoạt động ngành xuất bản của cả khối trong hai năm 2022 và 2023.
Việt Nam sẽ giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất là chủ tịch và tổng thư ký của ABPA. Cách thức điều hành của chúng ta sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động nội bộ của ngành công nghiệp xuất bản khối ASEAN, cũng như các hoạt động đối ngoại của khối với thế giới.
Việc đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ABPA sẽ giúp nâng tầm hoạt động xuất bản của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Việt Nam đang được cả khối ASEAN chú ý vì có dân số đông, ngành xuất bản nhiều điểm sáng trong khu vực. Việc đảm nhiệm lần này sẽ giúp nâng tầm hoạt động xuất bản của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.
Theo tôi, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng, hình ảnh của mình. Các đơn vị xuất bản trong nước nhờ thế có thể “bơi ra biển lớn”, song hành cùng ngành xuất bản của khu vực và thế giới.
Cũng qua đó, chúng ta có thêm cơ hội để học hỏi, giao tiếp tiếng Anh, đồng thời đưa các xuất bản phẩm song ngữ, ngoại ngữ của Việt Nam lên tầm cao hơn.
Hiện nay, tình hình Covid-19 còn rất phức tạp nên tất cả hoạt động đều diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, các phiên họp diễn ra bằng tiếng Anh cũng là thách thức, đòi hỏi chúng ta cố gắng nhiều hơn nữa.
- Ông nhận thấy giới xuất bản trong nước có thể học hỏi được gì từ các nước bạn để phát triển trong thời gian tới đây?
- Rất nhiều bài học mà tôi không thể nhớ hết trong suốt 7 năm qua. Đầu tiên là định hướng ngành xuất bản cho một quốc gia và cả khối ASEAN. Hai là, cách liên kết các quốc gia trong việc tổ chức hội sách, hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo về xuất bản. Ba là tình cảm của những người trong ngành sách dành cho nhau.
Thứ tư, đó là sự động viên, khích lệ, cảm thông lẫn nhau. Tiếp đến là kinh nghiệm và kiến thức về mua bán bản quyền, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới qua xuất bản phẩm, cụ thể là các chiến lược marketing, phát hành sách.
Lễ trao cờ chuyển giao vị trí chủ tịch luân phiên ABPA của Philippines cho Thái Lan năm 2019. Ảnh: NVCC. |
- Ông có đề xuất gì để các đơn vị xuất bản trong nước cùng chung tay với lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc kết nối giới xuất bản các nước ASEAN?
- Phải thú nhận rằng tôi chờ mong giờ phút Hội Xuất bản Việt Nam giữ chức chủ tịch luân phiên của ABPA này suốt 7 năm nay, từ khi lần đầu tiên được thay mặt Hội Xuất bản Việt Nam tham dự hội nghị tại Jakarta (Indonesia).
Tôi hy vọng rằng các đơn vị xuất bản Việt Nam, không phân biệt tư nhân hay Nhà nước, đồng tâm, chung sức để thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản nước nhà, đồng thời để hình ảnh Việt Nam được nâng cao không chỉ trong khối ASEAN mà còn trên thế giới.
Với tư cách chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có nhiều sáng kiến cho ngành trong cả khối, từ đó mang những điểm sáng trong xuất bản ở khu vực vươn xa ra thế giới.
Cá nhân tôi nghĩ đây là sân chơi chung cho cả khối ASEAN, nên rất mong sau khi giữ chức vụ này, giới xuất bản Việt Nam sẽ làm được những cuốn sách bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, phục vụ cho các thành viên trong khối ASEAN.
Tôi có đề xuất là chúng ta nên thực hiện một bộ sách kể về ngành xuất bản Đông Nam Á, nêu những câu chuyện về xuất bản mà các quốc gia đã cùng nhau trải qua.
Ngoài ra, nên mở các khóa đào tạo hoặc hội thảo thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác. Để làm được điều này, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông cả trên website và các trang mạng xã hội.
Đặc biệt, khi một quốc gia nào đó trong khu vực tổ chức hội sách, nên mời quốc gia khác trong khu vực làm khách mời danh dự.
Tôi tin rằng khi Việt Nam là chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Sách ASEAN, các hoạt động xuất bản trong nước sẽ diễn ra sôi nổi hơn, sách lậu sẽ giảm và chúng ta sẽ chính thức đặt chân vào ngành công nghiệp xuất bản 4.0.