Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Việt Nam là thị trường vàng của xuất bản Đông Nam Á’

Theo Giám đốc Tutle-Mori Agency Bangkok – một đại diện bản quyền lớn trong khu vực, lượng đầu sách các đơn vị xuất bản Việt Nam mua tăng chóng mặt trong 5 năm qua.

Tuttle-Mori Agency Bangkok là một công ty bản quyền đại diện cho nhiều nhà xuất bản (NXB) thế giới tại khu vực Đông Nam Á. Đây là một chi nhánh của công ty Tuttle-Mori Agency có trụ sở chính tại Nhật Bản. Công ty bản quyền này có gian hàng và tham gia Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2017 đang diễn ra tại công viên Thống Nhất, Hà Nội.

Bà Pimolporn Yutisri – Giám đốc Tuttle-Mori Agency Bangkok – là người bán bản quyền cho nhiều nhà xuất bản (NXB) và các công ty sách Việt Nam hơn 10 năm qua. Nhân dịp tham gia Hội sách, bà Tuttle-Mori Agency Bangkok có những nhận định về việc giao dịch bản quyền sách của Việt Nam.

Ban quyen xuat ban,  Ban ban quyen sach,  Vi pham ban quyen anh 1
Bà Pimolporn Yutisri (giữa) giao lưu tại Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam sáng 25/8.

- Tuttle-Mori Agency đã làm việc với các NXB Việt Nam từ khi nào?

- Từ năm 2004, 2005, khi mới gia nhập công ước Bern, các công ty Việt Nam đã mua bản quyền thông qua Tuttle-Mori Agency. Chúng tôi bán bản quyền cho rất nhiều NXB Việt Nam.

- Bà đánh giá như thế nào về thị trường xuất bản Việt Nam?

- Việt Nam là quốc gia vàng với chúng tôi khi làm bản quyền. Năm 2005 chúng tôi từ Bangkok tới Việt Nam, tôi gặp đại diện Nhã Nam, Kim Đồng cùng các NXB khác, thị trường xuất bản lúc đó khá im ắng, nhưng càng ngày các bạn càng phát triển.

Chúng tôi bán được bản quyền ở tất cả các thể loại: hư cấu, phi hư cấu, sách tranh. Ở Việt Nam mọi người đọc rất nhiều thể loại, kể cả những thể loại khó bán ở Thái Lan. Đặc biệt, thể loại sách văn học khó bán ở Thái Lan, nhưng ở Việt Nam lại rất phát triển.

Vài năm trước đây, Nhã Nam ra mắt cuốn Chai thời gian, tổ chức ra mắt sách, tôi rất ngạc nhiên khi độc giả đã đọc và biết trước về cuốn sách, rồi đặt nhiều câu hỏi. Bởi ở Thái, tổ chức ra mắt sách, đôi khi chúng tôi phải mời người đến lấp chỗ trống.

Tôi nghĩ, nếu Việt Nam muốn bán bản quyền ra thế giới, thì bây giờ chính là thời điểm các bạn đã có thể sẵn sàng.

- Từ năm 2005 tới nay, bà thấy số lượng, chất lượng sách Việt Nam mua bản quyền có thay đổi nhiều hay không?

- Năm 2005, khi tôi bán bản quyền sách ở khu vực Đông Nam Á, hợp đồng đầu tiên có giá 100 USD. Khi tôi làm việc với các nhà xuất bản ở Mỹ, để họ bán bản quyền sang Việt Nam, các nước Đông Nam Á, thì họ không muốn làm việc cùng, vì đây là số tiền rất nhỏ.

Nhưng đó là nhiệm vụ của những đại diện bản quyền như chúng tôi. Chúng tôi thuyết phục họ rằng phải để cho các NXB ở Đông Nam Á làm quen với công việc mua bản quyền này.

Trong khoảng một, hai năm đầu khi các bạn mua bản quyền, dù có nhiều NXB tham gia vào nhưng lượng sách mua bản quyền không cao. 5 năm trở lại đây tình hình thay đổi, lượng sách mua bản quyền tăng lên chóng mặt. Tuttle -Mori chúng tôi làm việc với Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Số lượng sách mua bản quyền ở Việt Nam lớn nhất. Các bạn đã tiến bộ rất nhiều trong việc mua bản quyền.

- Vì sao bà nói Việt Nam là quốc gia mua bản quyền lớn nhất, so với các quốc gia trong khu vực?

- Về số lượng mua bản quyền, tôi không nhớ con số chính xác, nhưng trong số liệu của chúng tôi, Thái Lan và Việt Nam luôn cạnh tranh nhau về lượng sách mua bản quyền.

Giá bản quyền hiện nay thông thường từ 500 – 1.000 USD/cuốn, nhưng các NXB Việt Nam có thể trả tới 5.000 USD cho một bản thảo. Riêng trong tuần trước, chúng tôi nhận được 60 lời đề nghị mua bản quyền từ phía Việt Nam. Một số NXB thậm chí còn đề nghị mua 10 cuốn sách trong một email. Đó là một con số lớn.

Ban quyen xuat ban,  Ban ban quyen sach,  Vi pham ban quyen anh 2
Lượng sách bản quyền ở Việt Nam tăng mạnh, ở đủ thể loại. Ảnh minh họa: Việt Hùng

- Công việc đại diện bản quyền của bà diễn ra như thế nào?

- Chúng tôi theo suốt quá trình mua bản quyền của NXB. Sau khi đưa ra đề nghị mua, bán bản quyền giữa hai bên, chúng tôi thúc đẩy ký hợp đồng mua bản quyền, thanh toán, nộp báo cáo, gửi lại bản sách tiếng Việt với bên nắm bản quyền.

Chúng tôi đã kết nối hai phía, các NXB Việt Nam với các NXB ở Anh, Mỹ... trong 10 năm rồi. Tôi nghĩ giờ đã đến lúc các bạn gặp trực tiếp nhau. Chúng tôi tổ chức các cuộc gặp giữa hai phía, ví dụ gặp gỡ ở Hội sách Frankfurt hay Hội sách Bắc Kinh.

- Tutle-Mori Bangkok đã làm thế nào để bán bản quyền sách ra thế giới?

- Đầu tiên, chúng tôi phải tìm được cuốn sách có chủ đề nào mang tính quốc tế, một chủ đề toàn cầu để các NXB nước ngoài có thể xuất bản được.

Muốn bán bản quyền ra thế giới, chúng tôi phải đưa sách sang các thị trường mạnh về bản quyền như Mỹ, Anh. Từ Mỹ, Anh, sách sẽ được bán bản quyền sang các nước khác. Ví dụ, chúng tôi có một cuốn sách đã bán bốn triệu bản, muốn bán ra quốc tế, chúng tôi phải dịch tới 7 bản tiếng Anh khác nhau, đưa cho 7 biên tập viên, từ đó, chọn ra một bản dịch tốt nhất. Từ bản tiếng Anh, chúng tôi đã bán bản quyền cuốn sách đó sang 40 quốc gia khác.

Chúng ta cũng có thể bán bản quyền sang các nước trong khu vực, nên bắt đầu bằng bán bản quyền sách tranh, sách cho trẻ em. Đó là những cuốn sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh chung, trẻ em nơi đâu cũng thích màu sắc, yêu động vật... Đó sẽ là khởi đầu dễ dàng hơn.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung bán bản quyền sách tranh cho trẻ em ở Đông Nam Á, châu Á, và đã bán được khoảng 600 đầu sách thiếu nhi.

- Bà có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với các NXB, đại diện Việt Nam nếu muốn bán bản quyền ra thế giới?

- Đầu tiên, các NXB nên chuẩn bị bản tóm tắt tiếng Anh, bản dịch một trang trong sách, và các phần giới thiệu bằng tiếng Anh.

Sau đó, chúng ta phải hiểu rõ đặc điểm thị trường mà mình muốn bán sang. Ví dụ, người Malaysia theo Hồi giáo nhiều, ở đó họ không ăn thịt lợn, trẻ em mặc quần áo kín đáo, nên chọn cuốn sách phù hợp văn hóa của họ. Đôi khi họ yêu cầu thay đổi một chút trong nội dung sách, như vẽ cho quần áo các em dài thêm một chút.

Chúng ta nên nhạy cảm hơn với thị trường. Ví dụ, cách đây hơn 4 năm, ở Đài Bắc có một chú gấu trúc mới ra đời, thì chúng tôi bán được rất nhiều sách về gấu trúc tại Đài Bắc.

Các bạn cũng cần cân nhắc, chọn bán những cuốn có chủ đề toàn cầu, nhưng có dấu ấn, bản sắc của Việt Nam.

- Theo bà, những đề tài nào đang được các NXB thế giới quan tâm hiện nay?

- Khó có thể nói được xu hướng các NXB quốc tế là gì, vì nó thay đổi theo thời gian. Nhưng hiện nay sách kỹ năng, sách nuôi dạy con, sách về ý tưởng mới đang được ưa chuộng.

- Ngày nay có nhiều tác giả tự bán bản quyền sách trên mạng, theo bà, tự bán so với bán qua một đại diện bản quyền khác nhau thế nào?

Khi làm với đại diện bản quyền, ta sẽ đánh đúng đối tượng, bán được tới nhiều quốc gia. Ví dụ, tác giả bán trên Amazon, tác giả phải chờ người tìm mua bản quyền của mình, có thể chờ rất lâu, chờ người mua một cách ngẫu nhiên.

Còn bán qua đại diện bản quyền (agency) thì họ có một mạng lưới xuất bản trên toàn thế giới. Thông qua đại diện bản quyền, bản thảo sẽ được trao đổi, giới thiệu tới nơi cần đến.

Theo tôi, tác giả có thể làm kết hợp cả hai cách, vừa tự bán trên mạng, vừa thông qua đại diện bản quyền để bán bản quyền sách hiệu quả hơn.

Đại diện Hội Xuất Bản Hàn Quốc: 'Thị trường sách Việt Nam rất hấp dẫn'

Theo ông Jin Huyng Kim – người phụ trách chung Hội Chấn hưng Xuất bản Hàn Quốc, thị trường sách Việt Nam đang phát triển mạnh, có sức hấp dẫn với các đơn vị Hàn Quốc.

Tần Tần (ghi)

Bạn có thể quan tâm