Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại diện Hội Xuất Bản Hàn Quốc: 'Thị trường sách Việt Nam rất hấp dẫn'

Theo ông Jin Huyng Kim – người phụ trách chung Hội Chấn hưng Xuất bản Hàn Quốc, thị trường sách Việt Nam đang phát triển mạnh, có sức hấp dẫn với các đơn vị Hàn Quốc.

Trong hai ngày 26 và 27, Hội chợ sách Hàn Quốc tại Việt Nam đã diễn ra ở Hà Nội. Ông Jin Huyng Kim – Người phụ trách chung của Hội Chấn hưng Xuất bản Hàn Quốc – chia sẻ về hội sách, sự hợp tác xuất bản giữa hai nước. Ông Jin Huyng Kim cũng cung cấp những thông tin về ngành xuất bản hiện tại của Hàn Quốc.

Hoi sach Han Quoc - Viet Nam,  Hoi sach, anh 1
Ông Jin Hyung Kim - đại diện Hội Chấn hưng Xuất bản Hàn Quốc - tại Hội sách. Ảnh:Tần Tần

- Điều gì khiến Hội Chấn hưng Xuất bản Hàn Quốc thực hiện hội sách tại Việt Nam?

- Sự kiện này xuất phát từ sự trao đổi kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Giữa hai nước có sự đồng điệu về văn hóa, nên chúng tôi muốn tìm kiếm sự hợp tác. Những năm qua, phim ảnh, âm nhạc, games của Hàn Quốc đã được công chúng Việt Nam biết tới. Bởi vậy, hội sách này thực hiện cũng không nằm ngoài mong muốn giới thiệu văn hóa qua sách vở của Hàn Quốc tới Việt Nam.

Nếu như phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc đến với công chúng Việt Nam theo từng trào lưu, xu hướng nhất thời, thì chúng tôi mong muốn sách vở nếu xuất bản ở Việt Nam mới làm nên sự giao lưu văn hóa lâu bền.

- Vậy, phía hiệp hội Hàn Quốc đã đưa gì tới hội chợ?

- Hội sách có 24 gian hàng của các nhà xuất bản đến từ Hàn Quốc. Trong đó, một số nhà xuất bản không có mặt tại hội sách cũng gửi các ấn phẩm tới giới thiệu.

Có rất nhiều đầu sách được chúng tôi đưa tới giới thiệu, chia làm các nhóm chính: như nhóm sách điện tử, nhóm sách giáo dục, sách cho trẻ em, sách tranh tô màu, nhóm sách cho phụ nữ...

Bên cạnh giới thiệu sách, chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà xuất bản Hàn Quốc và các đơn vị xuất bản Việt Nam.

Chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị xuất bản Việt Nam mang tới hội sách những cuốn tiêu biểu của Việt Nam để giới thiệu với chúng tôi.

- Tới nay, hội sách đã đạt được những kết quả gì?

- Chúng tôi chưa tổng kết nên chưa có con số cụ thể. Nhưng hiện nay, đã có một số đơn vị giao dịch bản quyền. Các mối liên hệ được kết nối, và đang thương thảo.

Đặc biệt, khi tổ chức hội sách này, chúng tôi được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía Hội Xuất Bản Việt Nam. Hội đã giới thiệu nhiều hơn mong đợi của chúng tôi những công ty, đơn vị xuất bản của Việt Nam đến đây trao đổi, hợp tác.

- Sách của Hàn Quốc đã được dịch và xuất bản như thế nào tại Việt Nam?

- Được biết khá nhiều sách ở các thể loại từ Hàn Quốc đã được phát hành ở Việt Nam. Sách văn học có một số tác phẩm như Chuyện cô gà mái xổng chuồng, Phiếu bé hư, Cá hồi, Chó xanh lông dài

Các bộ sách tranh cho thiếu nhi cũng đã được xuất bản như Ngày xửa ngày xưa, Một sàng khôn, Sống xanh. Ở lĩnh vực truyện tranh, một bộ truyện của Hàn Quốc thuộc diện best-seller tại Hàn Quốc và Nhật Bản có tên Hiệp khách giang hồ đang được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành ở Việt Nam. Tại fanpage của bộ truyện, chúng tôi thấy có nhiều độc giả từ Việt Nam vào tương tác.

- Vậy còn sách Việt Nam đã dịch ở Hàn Quốc, ông biết tới những cuốn nào?

- Tôi không có con số chính thức, nhưng một số sách về lịch sử, truyện cổ tích Việt Nam đã dịch sang Hàn Quốc. Đặc biệt, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được giới văn chương Hàn Quốc yêu thích và trao tặng Giải thưởng Lớn của giải Văn học Sim Hun vào năm 2016.

- Ông đánh giá thế nào về ngành xuất bản ở Việt Nam?

- Tôi cảm thấy Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, ngành xuất bản cũng không nằm ngoài không khí chung đó. Do đó thị trường sách của Việt Nam có sức hấp dẫn, gợi mở với chúng tôi.

Hoi sach Han Quoc - Viet Nam,  Hoi sach, anh 2
Các đơn vị xuất bản Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi sách, bản quyền tại Hội sách. Ảnh: Tần Tần

- Ông có thể giới thiệu thêm về ngành xuất bản ở Hàn Quốc hiện nay?

- Hàn Quốc có 53.547 nhà xuất bản. Theo số liệu thống kê năm 2016 thì có khoảng 75.727 đầu sách ra mắt một năm.

Chúng tôi có Hiệp hội Xuất Bản, gần như là cơ quan duy nhất liên quan đến chính phủ trong vấn đề quản lý xuất bản. Hiệp hội này phụ trách nhiều nội dung như quản lý văn hóa đọc, kết nối với các nước để hợp tác xuất bản, quản lý xuất bản…

- Một vấn đề của ngành xuất bản Việt Nam là còn tồn tại tình trạng sách lậu. Không biết xuất bản Hàn Quốc có phải đối mặt với hiện tượng này?

- Trước đây thì có, nhưng hiện nay, tình trạng này đã không còn. Khoảng hơn 10 năm trước, nhà nước có một chiến dịch bảo vệ bản quyền. Các chính sách, điều luật được thực thi nghiêm ngặt. Hiệp hội Bản quyền sẽ đảm bảo quyền lợi cho các nhà xuất bản, và xử lý các vấn đề vi phạm. Do đó, giờ đây chúng tôi không còn phải lo lắng về tình trạng sách lậu nữa.

- Gần đây, ngành xuất bản thế giới có bước dịch chuyển với lượng ebook ngày càng được chú trọng phát triển. Ở Hàn Quốc thì sao?

- Ở Hàn Quốc, lượng ebook chiếm khoảng 20% tổng lượng sách phát hành. Trước đây, ebook chiếm khoảng 30% (tỉ lệ này khá tương đồng với ngành xuất bản Mỹ).

Giờ đây tỉ trọng ebook giảm, do mọi người vẫn thích đọc sách giấy hơn. Ebook có sự phân hóa rõ rệt, phát triển theo chiều sâu. Các nhà xuất bản làm ebook với các dòng sách chính như sách dạy trẻ em, sách dạy tiếng Anh, truyện tranh, sách kỹ năng, tư vấn…

Ông Hoàng Phong Hà – Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam: "Chúng tôi đánh giá rất cao hội sách này. Đặc biệt là cách thức tổ chức rất chuyên nghiệp. Hơn 20 gian hàng được trình bày trong không gian trang trọng, giới thiệu những cuốn sách hay, sách đẹp, sản phẩm mẫu. Đặc biệt gian hàng nào cũng bố trí một phiên dịch riêng nhằm giúp việc trao đổi được thông suốt. Cách tổ chức rất đáng cho chúng ta học hỏi trong những lần tổ chức hội sách."

Ông Nguyễn Xuân Minh – Trưởng phòng bản quyền công ty Nhã Nam: "Hội sách là một dịp thuận lợi cho các đơn vị xuất bản Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác, hợp tác bản quyền. Trước đây Nhã Nam đã xuất bản khá nhiều đầu sách văn học của các tác giả nổi tiếng Hàn Quốc. Nhưng tới hội sách, tôi được biết thêm nhiều đơn vị xuất bản của Hàn Quốc mà trước đây trong các hội sách quốc tế quá rộng lớn chúng tôi chưa có điều kiện biết tới.

Đặc biệt, chúng tôi biết tới một số đơn vị xuất bản sách cho thiếu nhi khá thú vị, và đã tiến hành mua bản quyền, cũng như tiếp tục thương thảo thêm về bản quyền trong thời gian tới."


Đường sách TP.HCM đạt doanh thu 19,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Đây là con số được đưa ra trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của đường sách TP.HCM.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm