Thay vì chọn ra 7 thị trường như năm ngoái, năm nay Hội chợ sách quốc tế Frankfurt giới thiệu 5 thị trường sách lớn và đáng quan tâm nhất bao gồm Anh, Mỹ, Pháp, Ấn Độ và ASEAN.
ASEAN - thị trường xuất bản đáng quan tâm
Chuyên gia của các thị trường này chia sẻ kinh nghiệm và góc nhìn của mình về hiện trạng và triển vọng của ngành xuất bản. Các cuộc gặp gỡ trực tiếp với các chuyên gia cũng đã được BTC thu xếp để lãnh đạo các NXB từ khắp thế giới giao lưu, trao đổi về những chủ đề mà họ quan tâm trong mọi lĩnh vực từ sách văn học đến phi giả tưởng, sách thiếu nhi đến sách khoa học, phát hành sách đến cùng xuất bản co-edition, sử dụng nội dung từ sách để làm phim, đồ chơi, trò chơi...
Trong diễn đàn của thị trường ASEAN, ông Arief Hakim, Giám đốc điều hành tập đoàn PTS Media kiêm Phó chủ tịch Hội Xuất bản Malaysia bàn rất sâu về thị trường sách của cả 2 nước khác là Brunei và Singapore. Anh nhấn mạnh về tương lai của khu vực ASEAN với hơn 600 triệu dân và văn hóa đọc đang rất phát triển.
Cá nhân người viết rất đồng tình và nhấn mạnh thêm sự cần thiết của một sân chơi chung ASEAN cho Hội sách 2018. Rõ ràng cần 1 sân khấu lớn hơn, cần nhiều sân chơi nữa, cần có thêm nhiều tác giả ASEAN nữa đến để giao lưu và giới thiệu sách tại đây.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Frankfurt Book Fair. |
Nước Pháp - thị trường sách lớn thứ 5 thế giới
Là khách mời danh dự nên Tổng thống Pháp mang theo rất nhiều nxb và số lượng sách lớn vô cùng. Khu vực dành riêng cho Pháp được trình bày rất đẹp với tất cả các giá sách bằng các thanh gỗ. Ngành xuất bản Pháp hiện nay đứng thứ 5 thế giới và đang chỉ ra cho tất cả các nước thấy xu hướng xuất bản hiện đại. 12.476 tựa sách dịch đã được Pháp xuất bản năm 2016 chiếm 18.3% tổng tựa sách xuất bản. Kết quả này tăng hẳn so với con số 17.7% của năm trước 2015 và 14% của năm 2008.
Để quảng bá văn hóa đọc Tổng thống Macron đã chọn cuốn sách của tác giả Andre Gide để trên bàn làm việc của mình. Còn Thủ tướng Edourd Phillippe thì giới thiệu 1 cuốn sách về văn hóa đọc vừa được xuất bản mới tháng 7 vừa qua. Bà Francoise Nyssen hiện là Bộ trưởng Bộ Văn hóa mà trước đó là Chủ tịch tập đoàn xuất bản Actes Sud khẳng định sách đang rất được người Pháp quan tâm và chú trọng.
Người viết có cơ duyên gặp ông Manuel Carcasssone của tập đoàn Stock và được ông nhấn mạnh Pháp là "dân tộc đọc sách" (a nation of readers). Còn ông Antoine Gallimard của NXB Gallimard thì khẳng định thật sự có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tác giả và các nhà xuất bản của Pháp và chính điều này đã mang đến tâm hồn của các tác phẩm.
Những xu hướng xuất bản mới đang xuất hiện. |
Những xu hướng mới của thị trường xuất bản
Sách điện tử cũng được quan tâm mạnh năm tại tại Frankfurt Book Fair năm nay. Sách in và sách điện tử có vẻ như đang tiến dần đến sự cân bằng ở sự kiện lớn nhất của giới xuất bản.
Các công ty mang đến rất nhiều sáng tạo và sản phẩm mới bất ngờ. Đã 10 năm trôi qua kể từ khi Kindle và iPhone ra đời, sách điện tử cũng trải qua một thập niên đầy thăng trầm. Từng được coi là xu hướng mới của thị trường rồi lại thất thế nhưng giờ thì có vẻ những con số đang chứng minh sự phát triển trở lại của sản phẩm này.
Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, sự tăng trưởng của sách điện tử trong 5 tháng đầu năm 2017 đã là gần 20%. Các thư viện trên khắp thế giới ngày càng sử dụng nhiều sách điện tử. Cũng theo bà Carolyn Reidy, Tổng giám đốc tập đoàn xuất bản Simon & Schuster, bạn đọc Mỹ đã mượn hơn 196 triệu bản sách điện tử trong năm 2016, tăng 21% so với 2015.
Có một chủ đề mà tôi nghe rất chăm chú là phần mềm tương lai của ngành xuất bản khi sử dụng Machine Learning (AL). Các diễn giả nói và chứng minh nhiều thành tựu của cách mạng 4.0 đối với xuất bản. Phải thú thực là tôi hiểu hết nhưng cảm nhận rất rõ sẽ có những thay đổi lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thái Hà Books. Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng còn là Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.