Ít nhất 4 nguồn tin cho biết Nhà Trắng muốn nhìn thấy sự hợp tác sâu sắc hơn về phòng thủ tên lửa, huấn luyện quân sự, chống khủng bố giữa các nước trong liên minh, cũng như như tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao tại khu vực.
Kế hoạch thành lập liên minh mà các quan chức Nhà Trắng và Trung Đông gọi là "NATO Arab", với thành viên là các đồng minh Hồi giáo Sunni của Mỹ, có thể sẽ gây căng thẳng giữa Mỹ và Iran, một nước theo Hồi giáo Shiite. Mối quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Bức tường ngăn Iran bành trướng
Hy vọng của chính quyền Mỹ là nỗ lực đó, tạm được biết đến với tên gọi Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA), có thể được thảo luận tại một hội nghị được lên lịch tạm thời cho Washington vào ngày 12-13/10, một số nguồn tin cho biết.
Nhà Trắng xác nhận đang thảo luận về ý tưởng thành lập liên minh với "các đối tác khu vực của chúng tôi lúc này và đã được vài tháng".
Tổng thống Trump tiếp Thái tử kế vị Mohammed bin Salman của Saudi Arabia tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2018. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Saudi Arabia từng đưa ra ý tưởng về một hiệp ước an ninh trước chuyến thăm của ông Trump tới Riyadh hồi năm ngoái. Khi đó, tổng thống Mỹ tuyên bố hai bên đạt được một thỏa thuận vũ khí lớn, nhưng kế hoạch thành lập liên minh chưa được khởi động.
MESA sẽ đóng vai trò như một bức tường chống lại sự bành trướng của Iran, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.
Nguồn từ một số nước Arab liên quan cũng cho biết họ đã biết về những nỗ lực mới nhằm khởi động kế hoạch.
MESA sẽ đóng vai trò như một bức tường chống lại sự bành trướng của Iran, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ
"MESA sẽ đóng vai trò như một bức tường chống lại sự bành trướng của Iran, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và sẽ mang lại sự ổn định cho khu vực Trung Đông", một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết.
Người phát ngôn từ chối xác nhận rằng ông Trump có tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào các ngày nói trên hay không. Trong khi đó, các nguồn tin lưu ý rằng hiện vẫn chưa chắc chắn kế hoạch an ninh sẽ hoàn thành vào giữa tháng 10.
Các sáng kiến tương tự của các chính quyền Mỹ trước đây trong việc xây dựng một liên minh chính thức hơn với các đồng minh Vùng Vịnh và Arab đều thất bại. Washington, Riyadh và Abu Dhabi cáo buộc Iran làm mất ổn định khu vực, gây bất ổn ở một số quốc gia Arab thông qua các nhóm ủy thác và ngày càng tăng cường đe dọa Israel.
Trọng tâm của liên minh này là 2 cường quốc Vùng Vịnh, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền Trump để đối phó với Iran.
Các nghị sĩ Iran đốt cờ Mỹ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018. Ảnh: AP. |
Hiện chưa rõ trước mắt liên minh làm thế nào để có thể chống lại Tehran nhưng chính quyền Trump và các đồng minh Hồi giáo Sunni có lợi ích chung trong các cuộc xung đột ở Yemen và Syria cũng như bảo vệ các tuyến hàng hải qua Vùng Vịnh, nơi phần lớn nguồn cung dầu trên thế giới đi qua.
Một quan chức cấp cao của Iran nói rằng "lấy cớ đảm bảo sự ổn định ở Trung Đông, Mỹ và các đồng minh khu vực của họ đang kích động căng thẳng tại khu vực". Ông nói rằng cách tiếp cận trên sẽ không mang lại "kết quả" nào ngoài việc "làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa Iran, các đồng minh của nước này tại khu vực với các quốc gia Arab được Mỹ hậu thuẫn".
Trở ngại vì khủng hoảng Vùng Vịnh?
Một điều có thể trở thành rào cản lớn với liên minh đang nằm trên giấy là cuộc khủng hoảng ngoại giao đã kéo dài 13 tháng giữa Saudi Arabia và UAE với Qatar, nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở khu vực. Các quốc gia Arab khác cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, việc mà Doha phủ nhận.
Trong khi một nguồn tin cho biết chính quyền đang lo lắng vụ việc có thể là một trở ngại cho việc thành lập liên minh, ông và một quan chức Arab cho biết Riyadh và Abu Dhabi đã đảm bảo với Washington căng thẳng với Qatar sẽ không gây ra vấn đề.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ phủ nhận cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái ở Vùng Vịnh là rào cản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar hồi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters. |
Cùng với việc ông Trump theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết", Nhà Trắng mong muốn các đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới chia sẻ thêm gánh nặng trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh khu vực.
UAE đã sẵn sàng triển khai thêm quân trên khắp Trung Đông để chống lại kẻ thù của mình vì họ tin rằng không còn có thể dựa vào các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh, Bộ trưởng Anwar Gargash của UAE cho biết hồi giữa tuần.
Thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực, việc mà Mỹ và các nước Vùng Vịnh đã thảo luận trong nhiều năm nhưng chưa có kết quả, sẽ là một mục tiêu của liên minh, một nguồn tin hiểu về kế hoạch cho biết. Một mục tiêu khác là huấn luyện nâng cấp quân đội của các nước.
Căng thẳng giữa Mỹ với Iran đã tăng lên kể từ tháng 5 khi ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi một thỏa thuận quốc tế đạt được vào năm 2015 nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của Tehran.
Hôm 23/7, Iran đã bác bỏ một lời cảnh báo từ ông Trump rằng họ có nguy cơ hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng "mà không nhiều người hứng chịu những điều tương tự xuyên suốt lịch sử" nếu họ đe dọa Mỹ.