Các lệnh trừng phạt nhắm vào các ngành thép, nhôm, đồng và sắt của Iran, nguồn cung cấp thu nhập ngoại tệ cho nền kinh tế của đất nước.
Nhà Trắng cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch áp lực tối đa đối với chính phủ Iran cho đến khi họ ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố, chấm dứt các hoạt động gây bất ổn trong khu vực, từ bỏ mọi nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân và chấm dứt mọi hoạt động sản xuất tên lửa đạn đạo.
“Chúng tôi kêu gọi chế độ này từ bỏ tham vọng hạt nhân, thay đổi hành vi phá hoại, tôn trọng quyền của người dân và trở lại bàn đàm phán với thiện chí”, AP dẫn lời Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington hôm 8/5. Ảnh: AFP. |
Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã ký thỏa thuận với Iran vào năm 2015, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lại việc ngừng chương trình hạt nhân của Tehran, bao gồm hạn chế làm giàu uranium trong 10 năm.
Một năm trước, ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận mà ông gọi là “tồi tệ nhất trong lịch sử” này. Tổng thống Mỹ nói rằng hiệp định cũng nên hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và kiềm chế những gì chính quyền của ông coi là các hoạt động hung hăng của Tehran trong khu vực. Chính quyền Mỹ sau đó đã áp đặt lại các lệnh trừng phạt làm tê liệt kinh tế Iran từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận.
Các quốc gia khác vẫn duy trì thỏa thuận và cố gắng cung cấp cho Iran đủ các ưu đãi kinh tế để giữ cho thỏa thuận này tồn tại.
Hôm 8/5, Iran đe dọa sẽ làm giàu uranium trong kho dự trữ của mình gần với cấp độ đủ để sản xuất vũ khí trong 60 ngày nếu các cường quốc thế giới không đàm phán các điều khoản mới cho thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Iran đã ngừng bán uranium dư thừa và nước nặng dùng trong lò phản ứng hạt nhân như bước thực hiện bắt buộc đầu tiên theo thỏa thuận.