Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đang tiến đến Trung Đông sớm hơn dự định, trước thông báo của Iran hôm 8/5, rằng họ sẽ rút lại một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, mà Mỹ đã đơn phương hủy bỏ một năm trước theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Nhà Trắng dự kiến sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Iran trong những ngày tới. Chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran và nỗ lực mới nhất của Washington thông qua ngoại giao pháo hạm có thể đẩy tình hình leo thang lên nấc nguy hiểm.
Sự cố nhỏ có thể thành xung đột lớn
“Tôi không nghĩ rằng một trong hai bên muốn tham chiến, nhưng việc triển khai tàu chiến là loại tài sản có thể vượt ngoài tầm kiểm soát”, Alex Vatanka, thành viên cao cấp thuộc Viện Trung Đông nói với Politico.
Tình hình đã leo thang một cách nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Trump gọi Vệ binh Cách mạng Iran là “tổ chức khủng bố”, một động thái mà các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cảnh báo có thể dẫn đến những hành động đáp trả của Iran đối với Mỹ và đồng minh, bao gồm Israel.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72) đang tiến về phía Trung Đông để dằn mặt Iran. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Căng thẳng hiện tại làm dấy lên lo ngại, rằng hành động bất ngờ của một trong hai bên, ngay cả khi nó là vô tình có thể kéo theo cuộc xung đột quân sự.
Suzanne Maloney, học giả người Iran tại Viện Brooking, bày tỏ sự lo ngại về những lời hoa mỹ từ Nhà Trắng, nơi Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người từ lâu đã muốn lật đổ Iran, và là kiến trúc sư của chính sách an ninh Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo, người có quan điểm cứng rắn đối với Iran đã hủy cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel để công du đột xuất đến Iraq, cho thấy quyết tâm và sự ưu tiên của ông trong việc đối phó với Iran.
Các chuyên gia nhận định Bolton và Pompeo thậm chí còn muốn thực hiện một trận chiến hạn chế đối với Iran hơn cả Tổng thống Trump, người từ lâu đã cảnh giác trước việc Mỹ bị cuốn vào các cuộc chiến ở Trung Đông. Điều đó dẫn đến những tín hiệu hỗn loạn từ Nhà Trắng.
“Thực tế là chúng ta không nên đặt niềm tin vào những gì chính quyền này nói và điều đó thực sự làm tôi sợ”, ông Maloney nói.
Tiềm năng trả đũa của Iran trong khu vực đã khiến các quan chức Mỹ lo lắng, đặc biệt là ở Iraq, nơi lực lượng Shia được Iran vũ trang đã tấn công cơ sở quân đội Mỹ trong quá khứ. Khoảng 5.200 nhân viên quân sự Mỹ vẫn đang ở Iraq.
Chắc chắn lo ngại sẽ dâng cao trong báo cáo về mối đe dọa tiềm năng nhắm vào Đại sứ quán Mỹ tại Iraq. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, hôm 6/5 nói rằng quyết định điều động nhóm tác chiến tàu sân bay CVN-72 từ Địa Trung Hải đến gần Iran hơn là “sự tái định vị tài sản chiến lược để đối phó với mối đe dọa của Iran”.
“Chúng tôi kêu gọi chế độ Iran chấm dứt mọi hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào lực lượng hoặc lợi ích của Mỹ trong khu vực”, quyền Bộ trưởng Shanahan nói.
Charles Summers Jr, phát ngôn viên Lầu Năm Góc hôm 6/5, nói rằng việc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đến gần Iran "nhằm đảm bảo chúng tôi có lực lượng cần trong khu vực để đáp ứng với các tình huống, bảo vệ lực lượng và lợi ích của Mỹ tại đây".
Iran bí mật di chuyển tên lửa
Quyết định triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay Lincoln và phi đội ném bom chiến lược đến gần Iran được đưa ra sau khi tình báo Mỹ phát hiện Iran bí mật dùng thuyền để di chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn trên biển.
Iran có kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn đồ sộ, đó sẽ là mối đe dọa lớn đối với lực lượng Mỹ trong khu vực. Ảnh: Far News. |
Báo cáo đầu tiên về vấn đề này được đề cập bởi CNN, là một trong những dấu hiệu cho thấy Iran có thể đang xem xét, hoặc chuẩn bị tấn công lực lượng Mỹ trong khu vực, theo một quan chức tình báo nói trong điều kiện giấu tên vì tính chất nhạy cảm của vấn đề.
Quan chức này cho biết không rõ liệu những chiếc thuyền chở tên lửa có phải là một khả năng quân sự mới dùng để chống lại lực lượng Mỹ, hay chỉ là phương tiện để chuyển tên lửa đến các địa điểm trên bờ.
Triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay và phi đội ném bom chiến lược, cùng những tín hiệu hỗn loạn từ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đang tiến gần một cuộc xung đột quân sự với Iran hơn bất kỳ chính quyền nào khác của Mỹ.