"Cộng hòa Iran có rất nhiều lựa chọn, và các nhà chức trách đang cân nhắc. Từ bỏ NPT (Hiệp ước Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân) là một trong số đó", trang web của đài truyền hình nhà nước IRIB dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Mohammad Javad Zarif, cho biết.
Trước đó, khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran - thỏa thuận có sự tham gia của các cường quốc Nga, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Tehran cũng từng đe dọa sẽ từ bỏ NPT, theo Reuters.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Reuters. |
Đầu tháng 4, Mỹ liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách đen và yêu cầu các đối tác tiêu thụ dầu phải ngừng mua dầu do nước này cung cấp nếu không muốn nhận trừng phạt. Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran, thiếu tướng Mohammad Baqeri nói với hãng thông tấn Fars rằng quân đội Mỹ hiện vẫn giữ nguyên thái độ với Vệ binh Cách mạnh nước này.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và một số chỉ huy quân sự cấp cao cũng đe dọa sẽ cản trở các tuyến đường vận chuyển dầu từ các nước vùng Vịnh nếu Washington cố gắng bóp nghẹt hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran.
Trung úy Chloe Morgan, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lực lượng Hải quân Trung ương Mỹ, hôm 28/4 cho biết: "Eo biển Hormuz là tuyến đường biển quốc tế. Đe dọa đóng cửa eo biển này tác động xấu đến cộng đồng quốc tế và làm suy yếu dòng chảy thương mại tự do".
Là tuyến đường biển vận chuyển một phần ba lượng dầu trên thế giới mỗi ngày, eo biển Hormuz là sợi dây kết nối các nhà sản xuất dầu thô Trung Đông đến thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực xa hơn nữa.