"Việc điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng ném bom đặc biệt được coi là bước đi thận trọng để đáp lại các dấu hiệu cho thấy Iran gia tăng sự sẵn sàng tiến hành các hoạt động tấn công chống lại lực lượng Mỹ và lợi ích của chúng tôi", quyền phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charles Summers cho biết trong thông báo, theo AFP.
"Chúng tôi nhấn mạnh tuyên bố của Nhà Trắng rằng chúng tôi không muốn gây chiến với chính quyền Iran, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ công dân Mỹ, những đồng minh và lợi ích trong khu vực".
Đợt điều động này được thông báo lần đầu vào ngày 5/5 bởi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Ông cho biết động thái này là "thông điệp rõ ràng, không nhầm lẫn gửi tới chính quyền Iran, rằng mọi cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh sẽ phải đối mặt với sự đáp trả không ngừng".
Máy bay chiến đấu hạ cánh trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln trong một hoạt động huấn luyện diễn ra năm 2012 tại vịnh Ba Tư. Ảnh: AP. |
Động thái của Mỹ nhằm phản ứng lại "thông tin tình báo về mối đe dọa được lên kế hoạch bởi Iran". Các quan chức Mỹ chưa đưa ra thông tin chi tiết về mối đe dọa này.
Bill Urban, người phát ngôn của Bộ chỉ huy Trung tâm quân đội Mỹ (CENTCOM) - cơ quan điều phối các hoạt động ở Trung Đông, cho rằng mối đe dọa này có thể bắt nguồn từ đất liền hoặc từ biển.
Ông Urban nói rằng nhóm tác chiến Lincoln đã có kế hoạch đi tới khu vực này từ trước, nhưng việc điều động được đẩy nhanh sau khi mối đe dọa từ Iran xuất hiện. Việc này khiến cho chuyến thăm theo lịch trình tới cảng Split của Croatia bị hủy bỏ.
Nhóm tàu sân bay này bao gồm nhiều tàu chiến, nhiều loại máy bay và khoảng 6.000 nhân sự, sẽ được triển khai đến "nơi mà nhóm có thể bảo vệ tốt nhất các lực lượng và lợi ích của Mỹ trong khu vực và ngăn chặn mọi hành vi hiếu chiến".
Một năm trước, Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt Iran. Kể từ đó, chính quyền Trump tăng cường giọng điệu cứng rắn kết hợp với việc siết chặt các lệnh trừng phạt chống lại Tehran.
Iran ngày 8/5 tuyên bố rằng họ sẽ ngưng thực hiện một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, vốn vẫn còn hiệu lực giữa Iran và Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, Iran sẽ không rút khỏi thỏa thuận.