Khi ông Trump trở thành tổng thống vào năm 2017, bước cùng ông vào chính quyền là 3 cựu tướng quân đội, với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly (sau này trở thành Chánh văn phòng Nhà Trắng) và Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn (được thay thế bởi tướng H.R McMaster).
Thành tích nổi bật và kinh nghiệm lâu năm của ba vị tướng này đã khiến nhiều người, trong và ngoài Nhà Trắng, tin rằng họ sẽ trở thành những cố vấn tin cậy cho ông Trump, người không có kinh nghiệm cả về ngoại giao lẫn quân sự. Những vị cố vấn này được hy vọng sẽ giúp tổng thống có được chính sách ngoại giao bình tĩnh, ổn định và hợp lý hơn so với những gì ông Trump nhắc tới khi tranh cử.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford bên cạnh Tổng thống Donald Trump, cả hai người đều sẽ không còn làm việc ở Lầu Năm Góc trong năm 2019. Ảnh: New York Times. |
"Như một con chó"
Nhưng giờ đây sau hai năm, đã không còn có vị tướng nào trụ lại. Chánh văn phòng John Kelly đã lặng lẽ rời vị trí vào cuối tháng 12/2018. Cả ông Michael Flynn và người kế nhiệm là tướng McMaster đều rời đi từ trước đó. Ồn ào nhất là sự ra đi của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi ông từ chức và bị Tổng thống Trump đẩy đi sớm hơn dự kiến.
Mối quan hệ giữa ông Trump và các tướng lĩnh quân đội tiếp tục căng thẳng khi ông không ngần ngại dành lời lẽ gay gắt nhất để công kích cựu tướng 4 sao Stanley McChrystal, người trong một cuộc phóng vấn với kênh ABC đã chỉ trích ông Trump là người "vô đạo đức" và không trung thực.
Đáp lại, tổng thống Trump đăng trên Twitter: "Tướng McChrystal bị Obama sa thải như một con chó. Lần cuối cùng thực hiện nhiệm vụ đã thất bại hoàn toàn. Được biết đến với cái miệng to và ngu ngốc. Người yêu mến Hillary!".
Tướng McChrystal từng phục vụ trong quân đội 34 năm trước khi về hưu, ông từng là chỉ huy Bộ tư lệnh tác chiến chung trong cuộc chiến Iraq và giúp nó trở thành một trong những "cỗ máy chiến tranh" hiệu quả nhất lịch sử. Ông McChrystal từ chức năm 2010 sau khi tạp chí Rolling Stones công bố bài báo cho thấy một số cấp dưới của ông đã có bình luận không hay về các lãnh đạo Washington, trong đó có Phó tổng thống Joe Biden.
Ông Trump từ lâu đã nổi tiếng với việc đáp lại các chỉ trích một cách mạnh mẽ, vì vậy xét về khía cạnh này thì việc ông Trump chỉ trích tướng McChrystal không phải là điều bất ngờ. Tổng thống Mỹ cũng từng công kích đáp trả Đô đốc William McRaven vào tháng 11, sau khi bị ông này chỉ trích về chính sách ngoại giao. Đô đốc McRaven chính là chỉ huy trưởng của chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011.
Tổng thống Trump bổ nhiệm tướng H.R. McMaster thay thế tướng Michael Flynn cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, nhưng ông McMaster cũng chỉ giữ chức hơn 1 năm trước khi bị miễn nhiệm. Ảnh: AP. |
Tổng thống cũng mâu thuẫn với Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster khi ông này phát biểu ở một hội thảo an ninh tại thành phố Munich, Đức, cho rằng có các chứng cớ cho thấy Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Tướng McMaster từ chức chỉ 6 tuần sau đó.
Nếu nhìn rộng ra, mối quan hệ của ông Trump với các vị tướng quân đội đang ngày càng xấu đi, khác hẳn so với khởi đầu tưởng chừng ngọt ngào khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.
Xung đột về quan điểm
Phe quân đội luôn muốn giữ sự hiện diện quân sự ở nước ngoài để đảm bảo một trật tự thế giới mà họ cho là có lợi ích chiến lược với Mỹ, cho dù mục tiêu là tiêu diệt ISIS, kiềm tỏa Iran hoặc Triều Tiên, hay là tránh cho Afghanistan lại rơi vào tay Taliban một lần nữa.
Tuy nhiên ông Trump với chính sách "đặt nước Mỹ lên trên hết" tin rằng nhiệm vụ của mình là chấm dứt sự hiện diện ở nước ngoài, rút khỏi các mối quan hệ đồng minh truyền thống như NATO vì cho rằng nước Mỹ đang bị lợi dụng bởi các đồng minh này.
Sự khác biệt này được thể hiện rõ ràng nhất từ lá đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, khi trong đó ông Mattis viết rằng tổng thống "xứng đáng có một cấp dưới với quan điểm tương đồng". Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa ông Trump và người đứng đầu Lầu Năm Góc diễn ra ở một tầng khá sâu và sẽ rất khó để có thể san bằng khoảng cách này.
Vào tháng 11/2016 sau khi thắng cử, ông Trump tỏ ra rất hào hứng khi chia sẻ với các phóng viên về việc phỏng vấn tướng Mattis cho Bộ trưởng Quốc phòng. "Ông ấy là một người xán lạn và tuyệt vời. Đúng là một sự nghiệp xuất sắc! Chúng ta sẽ xem xét, nhưng ông ấy là ứng cử viên đích thực".
Thậm chí sau khi đã rời khỏi Nhà Trắng, Tổng thống Trump và tướng Kelly vẫn thể hiện sự bất đồng. Ông Kelly cho biết ngay từ khi nhậm chức, chính quyền ông Trump đã chấp nhận việc sẽ không có bức tường biên giới được xây mới. Trong khi đó ông Trump vẫn đang yêu cầu quốc hội duyệt chi ngân sách cho kế hoạch này. Ảnh: Getty. |
Một kịch bản tương tự cũng diễn ra với tướng John Kelly, vào cuối năm 2017, ông Trump đăng trên Twitter: "Tôi rất vui được cho các bạn biết tôi đã đề cử tướng John F. Kelly vào vị trí Chánh văn phòng Nhà Trắng. Ông ấy là một người Mỹ tuyệt vời...". Nhưng thời gian trôi qua và mối quan hệ giữa hai người đã đi xuống, ông Kelly được cho là đã không còn có thể nói chuyện với tổng thống, và lặng lẽ rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 12.
Vào tháng 10/1963, giữa thời điểm cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đang ở mức căng thẳng, Tổng thống Mỹ khi đó là John F. Kennedy đã có cuộc điện thoại với người tiền nhiệm là Tổng thống Dwight Eisenhower, người từng là đại tướng 4 sao trong Thế chiến 2, để tư vấn về tình hình. Cả hai người đều biết vị trí của người kia, và thể hiện sự tôn trọng với người còn lại. Eisenhower mặc dù nhiều hơn Kennedy gần 30 tuổi nhưng vẫn gọi tổng thống là ngài, và Kennedy thì gọi Eisenhower bằng "đại tướng".
Có vẻ như ông Trump đã không thể hiện một sự tôn trọng như vậy với các cựu tướng quân đội trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống bây giờ đã thể hiện sự mâu thuẫn và xung đột với tướng Kelly, tướng Mattis, tướng McChrystal, tướng McRaven và tướng McMaster, tất cả đều là những vị tướng xuất chúng của quân đội Mỹ.
Từng có thời thể hiện sự ngưỡng mộ với các tướng lĩnh quân đội, nhưng giờ đây Tổng thống Trump dường như đang đứng ở một bên khác khi liên tục chỉ trích và mâu thuẫn với những người này. Khi ông Trump nhậm chức vào năm 2016, từng có những lo ngại về việc nhiều vị tướng xuất hiện ở Nhà Trắng và những người này sẽ có ảnh hưởng đến quyết định của tổng thống, nhưng 2 năm sau, điều đáng lo ngại lại là việc ông Trump chẳng muốn nghe ai cả.