Tổng thống Trump đã có chuyến đi đầu tiên tới khu vực xung đột với tư cách tổng tư lệnh khi tới thăm quân đội Mỹ tại căn cứ không quân al-Asad ở miền Tây Iraq hôm 26/12.
Chuyến thăm không báo trước diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Syria và sa thải bộ trưởng quốc phòng - người vốn đã từ chức và cũng là người phản đối quyết định của tổng thống.
Tổng thống Trump trò chuyện với các quân nhân tại phòng ăn ở căn cứ không quân al-Asad. Ảnh: AP. |
Tháng 4/2009, người tiền nhiệm của Trump, tổng thống Barack Obama, đã có chuyến thăm các binh sĩ Mỹ tại Iraq. Đó là chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách tổng tư lệnh mặc dù ông từng đến thăm Iraq vào tháng 7/2008 với tư cách thượng nghĩ sĩ Mỹ khi vận động tranh cử tổng thống.
Theo Washington Post, hai chuyến đi có sự tương phản rõ nét không chỉ về thời điểm mà còn về phong cách. Đó là sự phản ánh tính cách khác biệt của hai vị tổng tư lệnh cũng như những thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra ở Trung Đông trong 9 năm qua.
Tương phản giữa hai tổng thống
Mặc dù thường xuyên ca ngợi quân đội Mỹ và bổ nhiệm các tướng lĩnh quân đội vào các vị trí trong nội các nhưng Trump phải mất gần nửa nhiệm kỳ tổng thống mới thực hiện được chuyến thăm các binh sĩ Mỹ tại khu vực xung đột.
Ngược lại, chuyến đi của Obama đến Iraq diễn ra chưa đầy ba tháng sau khi ông nhậm chức. Ông còn đến thăm một khu vực xung đột khác là Afghanistan hai lần trong năm thứ hai tại vị.
Người tiền nhiệm của Obama, tổng thống George W. Bush, cũng đến thăm Iraq chưa đầy một năm sau khi cuộc tấn công Iraq do quân đội Mỹ lãnh đạo bắt đầu vào tháng 3/2003.
Giống như chuyến thăm của Obama, chuyến đi của Trump đến Iraq không được công bố trước. Điều này cho thấy những lo ngại về an ninh không giảm đi nhiều so với năm 2009.
Ông Obama được các binh sĩ chào đón trong chuyến thăm Doanh trại Victory ở Iraq, tháng 8/2009. Ảnh: Reuters. |
Cả hai đều đến thăm quân đội Mỹ ở Iraq. Obama gặp mặt các binh sĩ trong cung điện do Saddam Hussein xây dựng ở Baghdad trong khi Trump đến thăm một căn cứ không quân. Cả hai tổng thống đều dành vài giờ ở lại Iraq.
Trong khi Obama đã gặp nhà lãnh đạo Iraq lúc đó là thủ tướng Nouri al-Maliki tại Doanh trại Victory, Trump không gặp nhà lãnh đạo hiện tại của Iraq là Thủ tướng Adel Abdul Mahdi trong chuyến thăm của mình. Các nghị sĩ Iraq cho biết phía Mỹ mong muốn hai lãnh đạo có thể gặp nhau tại căn cứ không quân nhưng hai bên không đạt được đồng thuận.
Một số chính trị gia Iraq chỉ trích chuyến thăm của ông Trump và gọi đây là hành vi vi phạm chủ quyền của Iraq. "Sự chiếm đóng của Mỹ tại Iraq đã kết thúc", Sabah al Saadi, lãnh đạo của khối nghị viện Islah, phát biểu trong một tuyên bố.
Thông điệp tới Trung Đông sau 9 năm
Chắc chắn, Iraq mà ông Trump tới thăm là một vùng đất rất khác so với quốc gia mà ông Obama từng đến vào năm 2009. Năm 2009, quân đội Mỹ chưa hiện diện ở Syria, quốc gia này cũng chưa rơi vào cuộc nội chiến khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng kể từ năm 2011.
Obama vẫn chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran, nước láng giềng của Iraq, với các cường quốc khác trên thế giới vào năm 2015. Saudi Arabia vẫn chưa bắt đầu những thay đổi phức tạp sau cái chết của Quốc vương Abdullah vào năm 2015.
Khi Obama thực hiện chuyến thăm năm 2009, Mỹ vẫn còn sự hiện diện quân sự rất lớn ở Iraq. Khoảng 157.800 quân nhân Mỹ có mặt ở nước này trong năm tài khóa 2008. Trong chuyến thăm của mình, Obama đã nhắc lại ý định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Iraq.
Trong bài phát biểu trước các binh sĩ Mỹ ở Iraq, Tổng thống Trump nhấn mạnh chính sách Nước Mỹ trên hết và gạt bỏ vai trò "cảnh sát toàn cầu" của Mỹ. Ảnh: AFP/Getty. |
"Dưới những áp lực và hy sinh rất lớn, trải qua những tranh chấp, khó khăn và xung đột chính trị, các bạn vẫn tập trung thực hiện công việc của mình. Các bạn đã đem lại cho Iraq cơ hội tự đứng lên như một đất nước dân chủ", ông Obama nói với các binh sĩ vào năm 2009.
"Họ cần phải có trách nhiệm với đất nước và chủ quyền của mình", ông Obama nói về chính phủ Iraq.
Obama đã giữ đúng cam kết của mình vào năm 2011 khi rút quân đội Mỹ khỏi Iraq. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã quay trở lại vào năm 2014 để đáp lại yêu cầu của Chính phủ Iraq trong việc chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng, một nhóm cực đoan có tiền thân là al-Qaeda và được gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) khi Obama tới Iraq vào năm 2009.
Một năm sau khi Obama đến thăm Iraq, Abu Bakr al-Baghdadi được tôn làm thủ lĩnh. Ông đã tiếp tục lãnh đạo nhóm cực đoan này mở rộng sang Syria, dẫn tới việc Mỹ đưa quân tới Syria và phối hợp với các lực lượng địa phương kể từ năm 2015.
Tuần trước, Trump tuyên bố những binh sĩ này sẽ trở về nhà vì Nhà nước Hồi giáo đã bị đánh bại. "Các chàng trai, các cô gái, những người đàn ông của chúng ta, tất cả sẽ trở về, họ sẽ trở lại ngay bây giờ. Chúng ta đã chiến thắng", Trump nói trong một tin nhắn video trên Twitter. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã tuyên bố từ chức ngay sau đó.
Tuy nhiên, khi đến thăm Iraq hôm 26/12, Trump đã đưa ra thông điệp rất khác đối với khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ được triển khai ở Iraq, một sự tương phản thực sự với thông điệp của Obama trước đó 9 năm. Đương kim tổng thống khẳng định không có kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Iraq ngay lập tức.
"Thực tế, chúng ta có thể sử dụng nơi này làm căn cứ nếu muốn làm gì đó ở Syria", nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm.