Chính phủ Armenia hiện đứng trước sức ép từ phe đối lập phản đối việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn - do Nga bảo trợ - trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh với Azerbaijan. Phe đối lập đang kêu gọi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan từ chức.
Khi được hỏi về khả năng chính phủ mới ở Armenia sẽ bỏ rơi thỏa thuận ngừng bắn, Tổng thống Putin ngày 17/11 cho biết đó sẽ là "một sai lầm khủng khiếp".
"Tôi nghĩ điều đó là không thể chấp nhận được, không hề mang tính xây dựng và cực kỳ nguy hiểm", Tổng thống Putin nói, Guardian đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Pashinyan cho biết ông không có kế hoạch từ chức. Tuy nhiên, tối 18/11, chính phủ của ông Pashinyan đã công bố lộ trình 15 điểm nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và "bảo đảm sự ổn định ở Armenia".
Ông Pashinyan cũng kêu gọi khởi động lại các thảo luận của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSEC), với sự tham gia của Nga, Pháp và Mỹ, để giải quyết dứt điểm tình trạng pháp lý của Nagorno-Karabakh.
Hôm 9/11, dưới sự bảo trợ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Armenia và Azerbaijan đã được ký. Theo thỏa thuận, một diện tích đáng kể khu vực Nagorno-Karabakh trước đó thuộc quản lý của người Armenia sẽ được chuyển giao cho Azerbaijan.
Nga hiện đã triển khai 2.000 binh sĩ tới khu vực này để duy trì an ninh.
Thỏa thuận ngừng bắn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phe đối lập ở Armenia. Người biểu tình đã tấn công một số toàn nhà trụ sở chính phủ, cáo buộc chính quyền của Thủ tướng Pashinyan phản bội nhân dân.