Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Ảnh: Kyodo. |
"(Philippines) đã chứng kiến những căng thẳng địa chính trị gia tăng không phù hợp với lý tưởng hòa bình, đe dọa an ninh và sự ổn định của đất nước, khu vực và thế giới", Reuters dẫn lời Tổng thống Ferdinand Marcos phát biểu tại một sự kiện ngày 18/2.
"Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo hiến pháp và luật pháp quốc tế, đồng thời hợp tác với các nước láng giềng để đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân", ông Marcos nói thêm.
Trong tuần này, Philippines đã cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia laser cấp độ vũ khí vào một tàu tuần duyên của Manila, khiến một số thủy thủ đoàn nước này mất thị lực tạm thời. Vụ việc xảy ra hôm 6/2 tại Bãi Cỏ Mây.
Đại sứ quán Bắc Kinh tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của họ đã tiến hành các hành động theo luật pháp.
Trước đó, ông Marcos đã triệu đại sứ Trung Quốc để bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về "các hành động ngày càng thường xuyên" của Bắc Kinh đối với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và ngư dân Philippines ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Marcos coi sự cố chiếu tia laze là không đủ để đưa ra một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.
"Nếu làm điều đó, chúng ta sẽ khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực. Tôi nghĩ điều đó sẽ phản tác dụng", ông nói với các phóng viên.
Vụ việc xảy ra chỉ một tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Marcos tới Bắc Kinh, nơi hai nước cam kết giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và thúc đẩy hợp tác.
Bãi Cỏ Mây là rạn san hô thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi này nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn, cũng thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bãi Cỏ Mây đang bị quân đội Philippines kiểm soát sau khi cố tình cho tàu hải quân BRP Sierra Madre mắc cạn năm 1999.
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.