Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trước trận đánh ở miền Đông Ukraine

Nga đang tăng cường lực lượng để chuẩn bị cho trận đánh mang tính quyết định sắp tới ở miền Đông Ukraine, trong khi chính quyền Kyiv kêu gọi người dân sơ tán khẩn cấp.

Oksana Belaya từng kiên quyết từ chối rời bỏ nhà cửa để đi tìm nơi ở mới trong suốt 8 năm, ngay cả khi lực lượng ly khai thân Nga nắm quyền kiểm soát một số khu vực ở Donbas, phía đông Ukraine.

Thế nhưng, tình hình chiến sự căng thẳng gần đây đã buộc cô phải thay đổi suy nghĩ.

“Chúng tôi đã hy vọng đến phút cuối cùng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp”, cô nói. "Nhưng bây giờ nguy hiểm ở khắp mọi nơi".

Oksana Belaya không phải là trường hợp duy nhất. Trên khắp miền Đông Ukraine, hàng nghìn người đang sơ tán trong bối cảnh chính quyền Kyiv cảnh báo Nga sắp mở chiến dịch quân sự mới vào khu vực Donbas.

Mat tran phia dong Ukraine ngay cang nong anh 1

Các gia đình chờ lên tàu ở thành phố Kramatorsk, miền Đông Ukraine. Ảnh: AFP.

Thống đốc Luhansk, ông Serhiy Gaidai, đã kêu gọi tất cả người dân sơ tán càng sớm càng tốt thông qua các hành lang nhân đạo, Guardian đưa tin ngày 13/4.

“Hãy di tản vì mỗi ngày tình hình đang trở nên tồi tệ hơn. Hãy mang theo những vật dụng cần thiết của bạn và đến điểm đón”, ông Gaidai viết trên mạng xã hội.

Nga đổ thêm quân vào miền Đông Ukraine

Sau hơn một tháng rưỡi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga rút quân khỏi khu vực quanh thủ đô Kyiv và thành phố Chernihiv để tập trung vào vùng Donbas, miền Đông Ukraine.

Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do công ty Maxar của Mỹ cho thấy lực lượng Nga tăng cường triển khai lực lượng ở những khu vực gần biên giới phía đông Ukraine.

Hàng chục xe bọc thép, lều trại và quân nhân Nga đã tập kết trên các cánh đồng và trang trại phía tây thị trấn Soloti, cũng như khu vực gần thị trấn Dubrovka, Biriuch và Leonovka, cách biên giới Ukraine khoảng 8 km.

Mat tran phia dong Ukraine ngay cang nong anh 2

Lực lượng Nga tại khu vực phía tây thị trấn Soloti ngày 11/4. Ảnh: Maxar.

Ngày 12/4, phát biểu trước báo chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mục tiêu của chiến dịch tập trung vào khu vực Donbas ở miền Đông Ukraine.

Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định "chiến dịch quân sự vẫn sẽ tiếp tục để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu" đã đề ra cũng như nhằm giảm thiểu tổn thất với lực lượng Nga.

"Chúng tôi sẽ hành động nhịp nhàng, bình tĩnh theo kế hoạch mà Bộ Tổng tham mưu vạch ra từ đầu", ông nói.

Nga từng tuyên bố mục tiêu họ là đạt được hòa bình ở khu vực Donbas bị tàn phá do giao tranh trong suốt nhiều năm, chứ không phải chiếm đoạt các vùng đất của Ukraine, theo TASS.

Mariupol tiếp tục là điểm nóng

Trong khi đó, tại thành phố Mariupol, các lực lượng Nga đang tiếp tục tấn công khu công nghiệp Azovstal.

Ngày 13/4, TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1.026 binh sĩ thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine, bao gồm 162 sĩ quan, đầu hàng tại thành phố cảng Mariupol.

"Tại thành phố Mariupol, gần nhà máy gang thép Ilyich, sau những cuộc giao tranh, 1.026 binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 36 đã tự nguyện hạ vũ khí và đầu hàng", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết họ chưa nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến vấn đề này, theo Reuters.

Mat tran phia dong Ukraine ngay cang nong anh 3

Một người lính Ukraine ở Mariupol. Ảnh: AP.

Trước đó, Bộ Chỉ huy quân sự Ukraine cho biết đường liên lạc với các đơn vị của lực lượng phòng vệ ở Mariupol vẫn ổn định và được duy trì.

Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych chia sẻ thêm sau một "cuộc điều động mạo hiểm", những người lính còn lại của thành phố cảng Mariupol đã tụ họp lại.

“Các đơn vị của Lữ đoàn thủy quân lục chiến độc lập số 36 đã gia nhập cùng Trung đoàn Azov" trong nỗ lực chống lại các cuộc tấn công của Nga, ông nói.

Bộ này cho biết thêm trong báo cáo hàng ngày rằng các lực lượng Nga cũng đang nhắm mục tiêu vào những thị trấn phía đông bao gồm Popasna, phía tây Luhansk và Kurakhove gần Donetsk.

Nga được cho là đang cố gắng chiếm Mariupol để nối liền bán đảo Crimea nước này sáp nhập năm 2014 với “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” tự xưng.

“Khoảng lặng trước cơn bão"

Đã hai tuần trôi qua sau hội nghị ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, phái đoàn hai nước vẫn chưa tổ chức thêm cuộc gặp trực tiếp nào khác.

Giới quan sát cho rằng đây là "khoảng lặng trước cơn bão", khi hai bên đều nỗ lực củng cố lực lượng, khí tài chuẩn bị cho những trận đánh mang tính quyết định sắp tới ở miền Đông Ukraine. Cho đến nay, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể.

Trong bối cảnh giao tranh vẫn đang diễn ra, hai quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến công bố thêm khoản hỗ trợ quân sự trị giá 750 triệu USD cho Ukraine. Một trợ lý cấp cao của quốc hội cho biết các thiết bị có thể sẽ bao gồm hệ thống pháo hạng nặng, trong đó có pháo phản lực.

Ngày 13/4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Estonia Alar Karis, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda và Tổng thống Latvia Egils Levits cũng đến Kyiv bằng tàu hỏa. Chuyến đi này được cho là động thái tượng trưng nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Mat tran phia dong Ukraine ngay cang nong anh 4

Tổng thống Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia đã đến Kyiv. Ảnh: Reuters.

"Mục đích của chúng tôi là ủng hộ Tổng thống Zelensky và những người bảo vệ Ukraine trong thời điểm quyết định này", PAP dẫn lời cố vấn tổng thống Ba Lan Jakub Kumoch.

Trước đó, vào ngày 12/4, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đến thăm Ba Lan và nói rằng ông đã lên kế hoạch tới Ukraine nhưng bị từ chối.

"Tôi đã chuẩn bị để (đến Ukraine), nhưng rõ ràng điều này không được Kyiv chào đón", ông cho hay.

Tờ Bild của Đức đưa tin động thái này là do ông Steinmeier có mối quan hệ thân thiết với Nga trong quá khứ và từng ủng hộ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, được thiết kế để tăng gấp đôi dòng khí đốt của Nga đến Đức.

Ảnh vệ tinh đoàn xe bọc thép Nga gần Kharkiv

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đang tăng cường triển khai quân đội và thiết bị, vũ khí ở ít nhất ba khu vực gần biên giới phía đông Ukraine.

Tại sao Mariupol là mục tiêu số một của Nga ở Ukraine?

Nếu thành công kiểm soát thành phố Mariupol, Nga có thể kết nối lực lượng ở Crimea với Donbas, bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine, cũng như nâng cao nhuệ khí của quân đội Nga.

Vì sao Ukraine muốn vũ khí nhưng quay lưng với tổng thống Đức?

Ukraine tuyên bố không hoan nghênh Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới thăm Kyiv bởi quan hệ trong quá khứ giữa ông với Nga, cũng như để tạo thêm áp lực lên Berlin.

Minh An

Bạn có thể quan tâm