Dù đang sử dụng mọi công cụ để kết nối với bạn bè, đồng minh quốc tế và kêu gọi hỗ trợ cho cuộc kháng chiến, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn thẳng thừng tuyên bố từ chối tiếp đón Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Quyết định của Kyiv đột ngột nhưng không gây bất ngờ, xét tới mối quan hệ thân tình của ông Steinmeier với Moscow nói chung và giới chính trị Nga nói riêng, theo Guardian.
Vì sao Kyiv không hoan nghênh tổng thống Đức
Đương kim Tổng thống Steinmeier là một trong những chính trị gia kỳ cựu nhất của nước Đức nói chung và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cầm quyền nói riêng.
Theo Guardian, Ông Steinmeier là đồng minh trung thành của cựu Thủ tướng Gerard Schroder, từng giữ chức cố vấn trưởng của Văn phòng Thủ tướng Đức khi ông Schroder còn tại nhiệm đầu thập niên 2000.
Khi đảng Dân chủ Cơ đốc giáo lên nắm quyền từ 2006, ông Steinmeier được lựa chọn làm bộ trưởng Ngoại giao trong hai nhiệm kỳ. Ông cũng từng giữ chức phó thủ tướng Đức giai đoạn 2007-2009.
Đầu tuần này, ông Steinmeier có chuyến thăm Ba Lan để thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda về tác động của chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine với an ninh châu Âu.
Ông Steinmeier và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Theo Bild, ông Steinmeier có kế hoạch thăm Kyiv cùng lãnh đạo Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan trong ngày 13/4. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky thẳng thừng tuyên bố sẽ không gặp nếu ông Steinmeier đến Kyiv.
"Tất cả chúng ta đều biết quan hệ thân thiết giữa Steinmeier với Nga. Lúc này, ông ấy không được chào đón ở Kyiv. Chúng tôi sẽ xem điều đó có thay đổi hay không trong tương lai", một quan chức ngoại giao Ukraine cho biết.
Khi còn là ngoại trưởng Đức, ông Steinmeier duy trì quan hệ thân thiết với các quan chức Nga, đáng chú ý là Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Giống cựu Thủ tướng Schroder, ông Steinmeier cho rằng thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga có thể đưa Moscow hội nhập vào hệ thống của châu Âu.
Ông Steinmeier là một trong những người ủng hộ nhiệt thành cho dự án đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga đi thẳng tới Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này bị đình chỉ sau khi Nga tấn công Ukraine.
Năm ngoái, khi dự án Nord Stream 2 bị Mỹ và một số đồng minh Đông Âu chỉ trích, ông Steinmeier lên tiếng bảo vệ đường ống này, tuyên bố mua bán nhiên liệu là cây cầu cuối cùng kết nối Nga và châu Âu.
"Đốt đi cây cầu này không phải là biểu hiện của sức mạnh. Với người Đức chúng tôi, còn có khía cạnh khác (về đạo đức)", ông Steinmeier nói, hàm ý việc Berlin đang bồi thường cho những thiệt hại mà Đức Quốc xã gây ra trong Thế chiến 2 ở Liên Xô.
Khi còn là ngoại trưởng Đức, ông Steinmeier đưa ra đề xuất nhằm thúc đẩy việc thực hiện các thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết bế tắc ở miền Đông Ukraine.
Giải pháp của Steinmeier là tổ chức bầu cử ở hai vùng lãnh thổ ly khai, với sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Đề xuất này không được cả Kyiv và Moscow hưởng ứng.
Theo Financial Times, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk cáo buộc ông Steinmeier trục lợi từ xung đột Nga - Ukraine. Đại sứ Melnyk cũng cho rằng ông Steinmeier cung cấp những thông tin sai lệch về tình hình Ukraine cho Điện Kremlin.
Áp lực lên Berlin
Sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Steinmeier đã hứng chịu bão chỉ trích từ dư luận bởi chính sách hướng Nga của mình.
"Lập trường của tôi về Nord Stream 2 rõ ràng là một sai lầm. Chúng ta đã bám víu lấy cây cầu mà người Nga không còn tin vào, điều mà các đối tác đã cảnh báo từ lâu", ông Steinmeier thừa nhận nhằm xoa dịu dư luận, Euractiv đưa tin.
Sau khi bị Tổng thống Zelensky khước từ, ông Steinmeier cho biết kế hoạch tới thăm Kyiv nhằm "gửi đi thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự đoàn kết của châu Âu với Ukraine".
Việc Tổng thống Steinmeier bị tẩy chay ảnh hưởng đến uy tín của riêng ông, cũng như tạo ra thêm áp lực cho chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz.
Trong tháng qua, hàng loạt quan chức cấp cao châu Âu đã tới thăm Kyiv, khởi đầu là Ba Lan, Czech, Slovenia.
Trước chuyến đi ngày 13/4 của lãnh đạo Ba Lan và 3 nước Baltic, Kyiv đã tiếp đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson.
"Trong lúc ông Johnson sánh bước bên cạnh Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kyiv, Thủ tướng Scholz vẫy tay tại một cuộc vận động cử tri ở Luebeck", nhật báo Bild châm biếm.
Thủ tướng Olaf Scholz bị chỉ trích vì chưa quyết liệt ủng hộ Ukraine. Ảnh: AFP. |
Đảng CDU đối lập của cựu Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi ông Scholz phải "nắm bắt tình hình trên thực địa".
Nghị sĩ Strack-Zimmermann, thành viên thuộc đảng SPD của chính ông Scholz, kêu gọi đương kim thủ tướng chứng minh năng lực lãnh đạo, dẫn dắt của Đức trong khủng hoảng Ukraine.
Trong bài phát biểu trước quốc hội các nước từ sau ngày 24/2, Tổng thống Zelensky liên tục kêu gọi hỗ trợ vũ khí để Ukraine tiếp tục cuộc kháng chiến.
Dù đã gửi vũ khí chống tăng và tên lửa phòng không cho Kyiv, Thủ tướng Scholz vẫn hứng chịu nhiều chỉ trích khi từ chối cung cấp những vũ khí hạng nặng cho Ukraine, theo AFP.
Những ý kiến chỉ trích muốn Berlin hành động mạnh mẽ hơn. Thậm chí, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck kêu gọi viện trợ bổ sung khẩn cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Một thành viên nội các khác là Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock cũng ủng hộ việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Đại sứ Ukraine tại Đức Melnyk cho biết việc Thủ tướng Scholz tới thăm Kyiv sẽ là một bước đi biểu tượng quan trọng, và sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu Berlin có thể viện trợ Ukraine vũ khí hạng nặng.