Bức tượng đồng cao 5,5 m đã được dựng trên đại lộ Colston từ năm 1895 để tưởng niệm các hoạt động từ thiện của ông. Đại lộ Colston chính là con đường Colston xây dựng sau khi bán cổ phần của mình ở một công ty đã buôn hàng chục nghìn nô lệ.
Colston được sinh ra năm 1636 và lớn lên trong một gia đình thương nhân giàu có ở Bristol, Anh. Sau khi đi học ở London, ông trở thành một thương nhân thành công trong ngành dệt và len.
Năm 1680, ông tham gia công ty Hoàng gia Châu Phi (RAC), công ty độc quyền về buôn bán nô lệ ở Tây Phi. Công ty này đóng dấu 3 chữ cái RAC viết tắt tên công ty lên ngực của những nô lệ, kể cả phụ nữ và trẻ em.
RAC đã bán khoảng 100.000 người Tây Phi ở Caribbean và Châu Mỹ từ 1672 đến 1689. Phần lớn tiền Colston kiếm được là thông qua công ty này và ông đã dùng số lợi nhuận đó chuyển sang cho vay tiền.
Năm 1689, Colston bán cổ phần trong công ty của mình cho William xứ Orange sau khi William giành quyền lực từ tay vua James II một năm trước đó.
Edward Colston là một người buôn nô lệ, thương gia và nhà từ thiện được dựng tượng ở thành phố Bristol, Anh. Ảnh: Alamy. |
Sau đó, Colston bắt đầu làm từ thiện. Ông đã quyên góp cho các trường học và bệnh viện ở Bristol và London. Ông có một thời gian ngắn làm nghị sĩ ở Bristol trước khi chết ở Mortlake, Surrey, vào năm 1721. Ông được chôn cất tại Nhà thờ All Saints ở Bristol.
Ngoài bức tượng, ở Bristol vẫn còn nhiều thứ vinh danh Colston như trường học Colston, phòng hòa nhạc Colston, tháp Colston (một tòa nhà văn phòng cao tầng), phố Colston và đại lộ Colston.
Nhiều năm qua, các nhà vận động lập luận rằng phải xem xét lại đóng góp của Colston cho thành phố vì sự liên hệ giữa ông và chế độ nô lệ. Năm 2018, chính quyền đã đồng ý đề cập đến việc buôn bán nô lệ trong tấm biển ở bức tượng. Tuy nhiên, văn bản cuối cùng vẫn chưa được thông qua.
Tuần qua, một bản kiến nghị thu thập được hàng nghìn chữ ký nói rằng “không có chỗ” cho Colston trong thành phố Bristol.
Tượng Colston bị người biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc ném xuống biển hôm 7/6. Ảnh: ITV. |
“Mặc dù lịch sử không nên bị lãng quên, những người hưởng lợi từ chế độ nô lệ không xứng đáng được đặt tượng. Tượng nên được dựng cho những người mang lại sự thay đổi tích cực, những người đấu tranh cho hòa bình, bình đẳng và đoàn kết xã hội”, kiến nghị viết.
“Vì vậy, chúng tôi mong hội đồng thành phố Bristol loại bỏ bức tượng Edward Colston. Ông ấy không đại diện cho sự đa dạng và đa văn hóa của thành phố chúng tôi”.
Và đến ngày 7/6, bức tượng trên đã bị người biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd kéo đổ và ném xuống biển.