Nhiều tháng nay, chính quyền Trump đã chỉ trích kịch liệt Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ sai lầm trong chống dịch Covid-19, can thiệp bầu cử, do thám hay đánh cắp tài sản trí tuệ ở Mỹ, cho đến cáo buộc về Tân Cương và yêu sách phi lý ở Biển Đông.
Ông Trump không được ủng hộ nhiều ở Liên Hợp Quốc, và diễn văn của ông năm nay diễn ra trong bối cảnh các thành viên Liên Hợp Quốc đang bất đồng với Washington. Ngày 21/9, ông Trump tuyên bố tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, động thái mà cả thế giới coi là trái luật.
Mới đây, tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hướng dẫn cụ thể việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt, do Iran không tuân theo thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc. Theo thỏa thuận năm 2015, Iran đồng ý ngưng chương trình hạt nhân đổi lấy nới lỏng cấm vận, trị giá hàng tỷ USD. Nhưng ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Tổng thống Trump. Ảnh: AP. |
Ít thành viên Liên Hợp Quốc tin rằng Mỹ có tư cách pháp lý để tái áp đặt cấm vận, vì đã rút khỏi thỏa thuận. Mỹ lại lập luận rằng mình có thể làm vậy vì ban đầu là một bên tham gia, theo AP.
Trong bài phát biểu dự kiến, ông Trump sẽ nhắc tới các thành tựu gần đây của Mỹ, như làm trung gian giữa Israel với Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hay giữa Serbia và Kosovo. Ông cũng sẽ coi việc gây áp lực để thành viên NATO chi 2% GDP cho quốc phòng như cam kết là thành công.
Ông cũng sẽ có các thông điệp dành cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Kể từ sau những lời lẽ đe dọa cho Triều Tiên năm 2017, cũng trước Đại hội đồng, ông Trump đã ba lần gặp ông Kim. Dù vậy, Triều Tiên vẫn chưa đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump thường xuyên chỉ trích các tổ chức quốc tế. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Trump dừng những hỗ trợ của Mỹ dành cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và nói tổ chức này quá dựa vào Trung Quốc.