Công hàm, được lưu hành hôm 16/9, tái khẳng định "lập trường pháp lý" của Anh, Pháp và Đức đối với quan điểm mà Trung Quốc bày tỏ trong một số công hàm trước đó liên quan đến các "yêu sách biển" của nước này ở Biển Đông.
Với tư cách thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, ba nước bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông, cho rằng các yêu sách liên quan tới việc thực thi "quyền lịch sử" là không phù hợp luật quốc tế và UNCLOS.
Đây cũng là một trong những kết luận chủ chốt trong phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan, vào năm 2016 đối với vụ kiện Biển Đông liên quan Philippines và Trung Quốc. Công hàm của Anh, Pháp và Đức, còn gọi là nhóm E3, nói phán quyết của tòa "rõ ràng đã xác nhận điểm này".
Một sĩ quan trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc đơn phương vẽ ra "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông để tuyên bố chủ quyền dựa trên "quyền lịch sử", một trong các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ theo luật quốc tế. Tuy nhiên, cái gọi là "đường lưỡi bò" hoàn toàn không có cơ sở và do đó không có giá trị pháp lý, theo phán quyết của tòa.
Công hàm chung của ba nước châu Âu cũng khẳng định việc tuyên bố đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo đối với các thực thể ở Biển Đông phải phù hợp với các quy định của UNCLOS mà Trung Quốc là thành viên.
Theo luật quốc tế, vùng biển bên trong đường cơ sở được xem là vùng biển thuộc chủ quyền một nước. Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng trái phép, với cách diễn giải đi ngược mọi quy định trong UNCLOS.
"Không có cơ sở pháp lý để các quốc gia lục địa đối xử với các quần đảo và cấu trúc ở biển như một thực thể thống nhất mà không tôn trọng các điều khoản liên quan trong phần II của UNCLOS, hay bằng cách áp dụng các điều khoản trong phần IV vốn chỉ có thể áp dụng cho các quốc gia quần đảo", công hàm của nhóm E3 nêu.
Công hàm cũng khẳng định "các hoạt động xây đảo hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể làm thay đổi phân loại một cấu trúc" ở biển theo quy định của UNCLOS. Tuyên bố này được cho là nhắm vào việc Trung Quốc nhiều năm qua đã bồi lấp, tôn tạo và quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông một cách phi pháp.
Động thái của ba nước châu Âu là phản ứng mạnh mẽ tiếp theo trong cái gọi là "cuộc chiến công hàm" liên quan đến tranh chấp Biển Đông. "Cuộc chiến" hình thành sau khi Malaysia đệ trình công hàm lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2019, nêu các yêu sách về thềm lục địa mở rộng của nước này.
Trung Quốc sau đó liên tục gửi công hàm thể hiện quan điểm và các yêu sách phi pháp của nước này, dẫn tới sự phản bác của nhiều nước. Các bên không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bao gồm Indonesia, Mỹ, Australia và mới nhất là nhóm E3, đã lần lượt gửi công hàm và công thư bác bỏ các luận điểm của Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Mỹ đã đưa ra tuyên bố minh định lập trường của nước này về tranh chấp ở Biển Đông, qua đó lần đầu khẳng định các yêu sách biển của Trung Quốc là phi pháp. Mỹ giữ quan điểm trung lập đối với các yêu sách chủ quyền tại vùng biển.
Công hàm của nhóm E3 được đệ trình trong bối cảnh 3 cường quốc châu Âu này đã thể hiện ý định tăng cường sự hiện diện và vai trò ở Biển Đông, nhằm đối phó với các hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.
Mới đây nhất, Berlin công bố định hướng chính sách mới, nói họ mong muốn "đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".