Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) là diễn đàn an ninh hàng đầu châu Á, diễn ra hàng năm vào dịp Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, và là nơi ngoại trưởng các nước ASEAN và 17 nước đối tác thảo luận nhiều vấn đề an ninh nổi bật. ARF lần thứ 27 năm nay diễn ra trực tuyến, do Việt Nam chủ trì với tư cách Chủ tịch ASEAN.
Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra trực tuyến sáng 12/9, do Việt Nam chủ trì. Ảnh: Pool. |
Các nước quan ngại về diễn biến ở Biển Đông
Biển Đông là một vấn đề được các bộ trưởng chú ý. Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết “trước những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982”, các bộ trưởng “nhấn mạnh yêu cầu tự kiềm chế, không có các hành động phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
“Các nước trong tuyên bố của mình tại hội nghị đều nêu phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời các phóng viên tại buổi họp báo sau các hội nghị.
“Các nước (tham dự ARF) cũng đều là thành viên của UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và các nước ASEAN. Việc tuân thủ Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982 là điều đương nhiên đối với các thành viên công ước”, ông nói.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa) tại buổi họp báo chiều tối 12/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Ông nhấn mạnh “lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong duy trì, thúc đẩy hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Ông chia sẻ quan ngại sâu sắc về “những diễn biến, vụ việc phức tạp, các hành động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển”. Ông cũng khẳng định ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC (Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông) và sớm hoàn tất COC (Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Tại diễn đàn, các nước cũng bày tỏ lo ngại về “một số vụ việc gần đây ở Biển Đông”, khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, không quân sự hóa, và việc cần phải có COC nhất quán với UNCLOS, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về ARF.
Về Biển Đông, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhận xét “việc giữ cho vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở, tự do và hòa bình là lợi ích chung của chúng ta”. Ông nói thêm rằng tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang xấu đi và Nhật Bản chia sẻ quan ngại sâu sắc với các nước ARF.
Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Trả lời câu hỏi của Zing về các vụ việc nghiêm trọng cụ thể mà các bộ trưởng đề cập đến, ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, thuộc Bộ Ngoại giao, cho biết: "Việc đề cập các 'vụ việc mang tính nghiêm trọng' đã cho thấy có những hành động đang gây phức tạp tình hình, gây ảnh hưởng tới lòng tin, phải kêu gọi sự kiềm chế ở mức cao nhất có thể".
"Các bên liên quan đang cùng nhau phấn đấu để xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ", ông nói thêm.
Tiếp cận công bằng đối với vaccine Covid-19
Ngoài ra, hội nghị nhất trí cần hợp tác ứng phó và giảm thiểu tác động từ dịch Covid-19, ủng hộ đối thoại để giải quyết khác biệt và hướng tới một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, đồng thời vẫn tuân thủ hoàn toàn nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Các bộ trưởng thông qua Kế hoạnh Hành động Hà Nội II cho ARF (định hướng cho giai đoạn 2020-2025), cùng hai tuyên bố khác về (1) đối xử với trẻ em bị tuyển dụng hoặc có liên quan tới các nhóm khủng bố và (2) hợp tác trong lĩnh vực an ninh công nghệ thông tin.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản về ARF cho biết hội nghị cũng bàn về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong phát triển và triển khai vaccine Covid-19.
“Việc tiếp cận công bằng với vaccine cho các nước có dân số nhỏ và nước đang phát triển là rất quan trọng”, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói trong thông cáo, kêu gọi vận dụng các khuôn khổ quốc tế trong vấn đề này.
Trả lời Zing về các thảo luận vaccine tại ARF, ông Vũ Hồ nói: "Vaccine phải hướng tới dễ tiếp cận với tất cả công chúng, người dân chứ không phải dành cho tầng lớp nào đó, phải phù hợp các tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra để đảm bảo tính bền vững”.
Hội nghị ARF cũng bàn về hợp tác quốc tế trong phát triển và triển khai vaccine Covid-19. Ảnh: Pool. |
Diễn đàn có 27 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN và các bên đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan, Australia, New Zealand, Canada, EU, Papua New Guinea, Bangladesh, Đông Timor, Mông Cổ và Sri Lanka).
ARF là một trong số ít diễn đàn đa phương mà Ngoại trưởng Triều Tiên tham dự gần như hàng năm, theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản).
ARF năm nay không có mặt Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son Gwon. Các nước này cử quan chức cấp cao khác thay mặt dự hội nghị.