Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc - 'vị khách' chen giữa Mỹ, châu Âu ở sinh nhật NATO 70 tuổi

Những lo ngại an ninh về sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong nhiều nội dung được đề cập ở hội nghị của NATO tại Washington, giữa lúc liên minh quân sự đánh dấu 70 năm tồn tại.

Trong gần 5 năm qua, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tập trung nguồn lực để đối phó với những thách thức an ninh từ Nga. Quân đội được triển khai đến Na Uy và Estonia để ngăn khả năng Nga sử dụng chiến thuật "chiến tranh hỗn hợp" nhắm vào các đồng minh của NATO.

Tuy nhiên, nhiều quan chức NATO cho rằng mối quan tâm hiện nay đang chuyển hướng sang Trung Quốc và sự gia tăng ảnh hưởng của cường quốc châu Á này, theo Newsweek.

Trung Quoc de doa NATO anh 1
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại tòa nhà quốc hội Mỹ ngày 3/4. Ảnh: Getty.

Chuyển sự tập trung sang Trung Quốc

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm thành lập NATO hôm 3/4, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những thách thức lớn nhất của liên minh quân sự này những thập niên tới.

"Chúng ta cần phải điều chỉnh. Việc xác định cách đối phó công nghệ 5G của Trung Quốc, và cả những đồng tiền từ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) sẽ là cám dỗ mà các đồng minh châu Âu phải đấu tranh mỗi ngày", ông Pence phát biểu tại hội nghị ở Washington.

"Hệ quả từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến những sự lựa chọn dành cho các nước NATO, từng thành viên và cả tập thể. Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng và điều này đòi hỏi Mỹ phải tăng mức độ quan tâm và nguồn lực đối phó", ông nhận định.

"Trong khi chúng tôi đối diện thách thức này, các đồng minh châu Âu cần phải làm nhiều hơn để duy trì sức mạnh và khả năng răn đe của liên minh xuyên Đại Tây Dương", phó tổng thống Mỹ khẳng định.

Trong một báo cáo được công bố ngày 2/4, Trung tâm Hợp tác Phòng thủ Mạng của NATO cảnh báo những rủi ro nảy sinh nếu các nước đồng minh sử dụng công nghệ của Trung Quốc, cụ thể là công nghệ mạng không dây 5G của tập đoàn viễn thông Huawei. 

"Sự phát triển của những công ty công nghệ Trung Quốc đã giúp họ trở thành một quyền lực trên thị trường toàn cầu. Điều này phần lớn nhờ chính sách quy hoạch công nghiệp của chính phủ và những công cụ hỗ trợ vốn. Các công ty Trung Quốc không những được trợ giá bởi chính phủ nước này, mà còn buộc phải làm việc với các cơ quan tình báo quốc gia", báo cáo này nhấn mạnh.

"Dù mối đe dọa tình báo này là sự thật hay chỉ là tưởng tượng, việc tiếp nhận công nghệ 5G từ Huawei sẽ tạo nên sự phụ thuộc về trang thiết bị, (nhưng thiết bị) có thể đã bị kiểm soát bởi các cơ quan tình báo và quân đội Trung Quốc cả trong thời bình lẫn giai đoạn khủng hoảng", báo cáo cho biết.

Trung Quoc de doa NATO anh 2
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại hội nghị Tiếp cận NATO ngày 3/4. Ảnh: AP.

Châu Âu đắn đo về lợi ích

Mỹ đã liên tiếp cảnh báo về dòng đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng tại châu Âu. Họ cũng ra sức lôi kéo các đồng minh bên kia Đại Tây Dương đưa Huawei vào "danh sách đen", lo ngại Bắc Kinh có thể buộc công ty này do thám hoặc phá hoại hạ tầng thông tin liên lạc của NATO.

Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước châu Âu vẫn hoan nghênh các thỏa thuận đầu tư của Bắc Kinh, cũng như sự xuất hiện của Huawei trên thị trường khu vực.

Thách thức từ Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với đối đầu giữa Nga và NATO. Trong khi Nga có những can thiệp vào tình hình nội chiến Ukraine vào năm 2014, tham vọng của Trung Quốc không có "khẩu súng bốc khói" làm bằng chứng để các nước phải lo ngại, một nhà ngoại giao cấp cao tại châu Âu nói với Wall Street Journal.

Điều này khiến nhiều chính phủ làm ngơ trước những lo ngại về an ninh, dang rộng vòng tay chào đón đồng tiền của Trung Quốc.

"Đối với mọi nước đồng minh, Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại ngày một quan trọng. Chúng ta cần tìm ra sự cân bằng khi cảnh giác sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không tạo ra thêm rắc rối cho mình", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng khẳng định.

Khác biệt quan điểm về Trung Quốc là một trong nhiều bất đồng đang làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington và NATO. Mỹ vẫn chưa hài lòng với mức độ đóng góp ngân sách quốc phòng của các thành viên còn lại. Trong khi đó, những nước đồng minh châu Âu không ủng hộ kế hoạch rút toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan mà Nhà Trắng đặt ra.

Một vài chính phủ tại châu Âu đã mời gọi đầu tư từ Trung Quốc bất chấp các lo ngại của Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) rằng Bắc Kinh có thể tăng sức ảnh hưởng và làm xói mòn khối đoàn kết khu vực.

Trung Quoc de doa NATO anh 3
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức tại Italy vào cuối tháng 3. Ảnh: Reuters.

Italy hồi tháng 3 đã đồng ý hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ BRI. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng qua cũng có chuyến công du kéo dài 6 ngày tại châu Âu, ký kết hàng loạt hợp đồng thương mại và thỏa thuận song phương với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

Một số quan chức châu Âu cho rằng EU ủng hộ siết chặt quy chuẩn cho các dự án cơ sở hạ tầng để hạn chế tối thiểu lo ngại an ninh, thay vì thẳng tay cấm cửa các công ty của Trung Quốc.

EU cũng chưa tẩy chay Huawei mà chỉ xây dựng quy trình thẩm định đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ 5G, thiết lập quy chuẩn để nhận định và đối phó những mối đe dọa an ninh.

Từ Bắc Cực đến Biển Đông

Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước NATO ở Washington trong hai ngày 3 - 4/4, những lo ngại an ninh về Trung Quốc được thảo luận sau phiên họp về chống khủng bố, theo tiết lộ của một vài nhà ngoại giao. Liên minh quân sự vẫn đang trong giai đoạn đầu đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc và cách thức đối phó.

Những mối đe dọa tiềm năng từ Trung Quốc đối với châu Âu lại là một phạm trù khá rộng. Một số nước NATO lo ngại các toan tính chiến lược của Trung Quốc ở Bắc Cực. Bắc Kinh vào năm 2018 đã tuyên bố Trung Quốc cũng là một quốc gia "gần Bắc Cực". Động thái được đánh giá nhằm cạnh tranh những lợi ích về giao thông hàng hải và năng lượng ở khu vực.

Mỹ và nhiều nước cũng lo ngại trước các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, đe dọa an ninh khu vực. Bên cạnh đó, BRI và chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng nước ngoài của Trung Quốc cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Những vấn đề này tuy vậy đang vượt khỏi phạm vi sứ mệnh của NATO, vốn là tập trung phòng thủ tại châu Âu.

"Chúng ta từng có những đối thủ quân sự trước đây, tuy nhiên ở mức độ đe dọa toàn cầu như Trung Quốc thì chưa từng có", Kiron Skinner, quan chức tham gia hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định.

Các nước đồng minh của Mỹ muốn cân nhắc chiến lược một cách cẩn trọng. "Chúng tôi không muốn tạo ra thêm một kẻ thù. Chúng tôi cũng không muốn đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc", một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ.

Trung Quoc de doa NATO anh 4
Tổng thống Donald Trump muốn các đồng minh NATO quan tâm hơn đến những mối đe dọa an ninh từ Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Washington vẫn tiếp tục tăng thêm sức ép với các đồng minh. Nhiều quan chức Mỹ đã công khai bày tỏ lo ngại khi Huawei dần lấn sân sang châu Âu.

Tướng Curtis Scaparrotti, lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ tại châu Âu và là Tư lệnh tối cao của NATO, khẳng định quân đội Mỹ sẽ không sử dụng bất kỳ hệ thống liên lạc nào dựa trên nền tảng viễn thông của Huawei. Washington cũng cảnh báo sẽ hạn chế chia sẻ tình báo với Berlin nếu những công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei được tham gia phát triển cơ sở hạ tầng cho mạng 5G ở Đức.

Đáp lại sức ép từ Mỹ vẫn là thái độ dè chừng từ các đồng minh bên kia Đại Tây Dương. "Chúng tôi nhìn nhận nghiêm túc những mối lo ngại này và đang đánh giá mọi hàm ý đối với an ninh khu vực", Tổng thư ký NATO Stoltenberg từng nhấn mạnh.

"Chúng tôi cần đảm bảo duy trì được liên lạc trong giai đoạn khủng hoảng. Đó là lý do vì sao chúng tôi cần có một hệ thống liên lạc viễn thông đủ sự bền bỉ. Đó mới là thách thức cho NATO, chứ không phải việc lựa chọn các vấn đề thương mại hay loại cơ sở hạ tầng nào để những đồng minh khác nhau đầu tư", ông cho biết.

NATO ở tuổi 70 - hố sâu ngăn cách giữa hai bờ Đại Tây Dương

Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở Washington D.C. hôm 3/4 được hạ cấp xuống cấp ngoại trưởng khi các đồng minh NATO muốn hạn chế những chỉ trích của TT Trump nếu ông xuất hiện.

Phó chủ tịch quốc hội Đức đòi trục xuất đại sứ Mỹ vì ngân sách NATO

Phó chủ tịch quốc hội Đức vừa yêu cầu bộ Ngoại giao nước này trục xuất đại sứ Mỹ do có phát biểu chỉ trích Berlin về chi tiêu quốc phòng.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm