Mẫu xe tăng VT-4 của Trung Quốc. Ảnh: Army Recognition |
Tổng công ty công nghiệp quốc phòng Bắc Trung Quốc (Norinco) tuần trước tổ chức giới thiệu khá rầm rộ cho xe tăng VT-4 do công ty này sản xuất. Norinco tiến hành quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội Webchat với hơn 500 triệu người sử dụng.
Theo China Daily, nhà sản xuất vũ khí bộ binh lớn nhất Trung Quốc tuyên bố, VT-4 tự hào là xe tăng có tính năng tự động hóa cao, cơ động, cùng hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến hơn so với T-14 Armata.
"Hệ thống truyền động của T-14 không đáng tin cậy. Chúng ta đã chứng kiến sự cố diễn ra trong đợt tổng duyệt trước lễ duyệt binh ngày 9/5 trên Quảng trường Đỏ. VT-4 chưa bao giờ gặp vấn đề tương tự. Xe tăng của chúng tôi có hệ thống kiểm soát hỏa lực đẳng cấp thế giới mà người Nga vẫn đang cố gắng để bắt kịp", lời quảng bá cho VT-4 trên Webchat viết.
Bên cạnh việc ca ngợi ưu điểm về công nghệ, nhà sản xuất nhấn mạnh đến tính kinh tế của VT-4 so với sản phẩm của Nga. "Một vấn đề quan trọng là chi phí, T-14 được cho là có mức giá cao hơn M1A2 của Mỹ. Tại sao không xem xét mua xe tăng của Trung Quốc có công nghệ tốt trong khi giá cả rất phải chăng? Đơn giá thấp của dòng VT nhằm đáp ứng nhu cầu của quân đội các nước đang phát triển", Norinco giới thiệu.
Ngoài ra, công ty vũ khí Trung Quốc còn lưu ý rằng, họ có sản phẩm đa dạng hơn Moscow với các mẫu VT-1, VT-2 và VT-4 trong khi Nga chỉ có T-90S.
Chiêu quảng cáoCác chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá T-14 là bước đột phá về thiết kế và công nghệ xe tăng của Nga. Ảnh: Sputniknews |
Đánh giá về thông tin quảng bá của VT-4, tạp chí Diplomat của Nhật nhận xét, mọi so sánh mang tính suy đoán về các xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga và Trung Quốc đều là vội vàng và chưa hợp lý.
Nó là một hình thức tiếp thị để thu hút sự chú ý trong giai đoạn này, bởi cả 2 chương trình xe tăng của Bắc Kinh và Moscow đều chưa bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt. Việc suy đoán hiện tại đều dựa trên các nguyên mẫu và một lượng nhỏ thông tin sẵn có.
Các thông tin giới thiệu về VT-4 rất khó kiểm chứng nên không thể đánh giá sản phẩm của Trung Quốc có ưu việt hơn T-14 Armata hay không, tạp chí Nhật Bản lập luận. Trong khi đó, nền công nghiệp xe tăng Trung Quốc vốn phụ thuộc vào công nghệ của Nga để phát triển các sản phẩm trong nước.
Franz-Stefan Gady, thành viên cao cấp Viện An ninh Đông Tây có trụ sở tại New York, Mỹ, nhận xét hình ảnh công bố của VT-4 cho thấy nó giống như phiên bản cải tiến của T-90. Còn T-14 có thiết kế khác biệt so với các dòng xe tăng trước đây của Liên Xô. Do đó, việc quảng bá VT-4 ưu việt hơn Armata chỉ là cách thức quảng cáo của Bắc Kinh cho sản phẩm.