Hải quân Mỹ hồi đầu tháng triển khai tàu sân bay John C. Stennis và 4 tàu chiến đến Biển Đông ở thời điểm Trung Quốc đang leo thang quân sự hoá dữ dội. Giới chuyên gia nhận định đây là thông điệp rõ ràng rằng Mỹ là cường quốc quân sự lớn trong khu vực và sẽ bảo vệ vị thế này.
Nhưng theo Hải quân Mỹ, tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động trong vùng lân cận với số lượng đáng chú ý hơn so với những năm qua. Một quan chức Trung Quốc còn lớn tiếng nói rằng các tàu này có nhiệm vụ "kiểm soát, xác định, theo dõi và đuổi" tàu và máy bay nước ngoài, tuỳ thuộc vào vị trí tiếp cận "gần các đảo của chúng ta".
Lập vùng đệm an ninh
Vài năm qua, Trung Quốc đã tận dụng nhiều hòn đảo nhỏ để mở rộng ảnh hưởng quân sự trong khu vực, tiến tới xây dựng và trang bị cho các tiền đồn xa đất liền. Những hành động phi pháp này đều vấp phải chỉ trích kịch liệt từ các nước láng giềng và Mỹ.
Theo New York Times, quy mô của hoạt động xây dựng phi pháp lên đến hàng tỷ USD, nhằm nhấn mạnh tuyên bố gây tranh cãi của Trung Quốc đối với Biển Đông, nơi có tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, đã gây căng thẳng trong khu vực. Đây là sự thách thức trật tự an ninh ở Tây Thái Bình Dương kể từ sau Thế chiến II. Rõ ràng Bắc Kinh đang tiến gần đến mục tiêu thiết lập một vùng đệm an ninh mở rộng xa bờ biển nước này.
Binh lính Hải quân Trung Quốc di chuyển trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hồi tháng 1. Ảnh: Reuters |
"Trung Quốc muốn Biển Đông là của họ để có thể đưa tàu quân sự và tàu hải cảnh đến hoạt động mà không cần lo ngại về sự hiện diện của lực lượng hải quân các nước Mỹ, Philippines, Việt Nam hay Ấn Độ", Marc Lanteigne, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy, nhận định.
Hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc được tiến hành nhanh chóng và tăng dần theo thời gian. Bắc Kinh đưa máy nạo vét để xây đảo nhân tạo trên rạn san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ đầu năm 2014, tăng tốc vào năm 2015 và nơi này giờ đã xuất hiện các cảng nước sâu, đường băng dài cho tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đưa tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Bắc Kinh đã xây 4 tháp radar nhân tạo trên quần đảo này. Chúng có thể mở rộng phạm vi huỷ diệt của các tên lửa trên đất liền Trung Quốc, vốn được thiết kế để đánh chìm tàu sân bay.
Các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại rằng nếu không được kiểm soát, hành động này sẽ tạo lợi thế để Trung Quốc dễ dàng mở rộng vùng biển và giành ưu thế quân sự so với các nước láng giềng với yêu sách chủ quyền gây tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng động thái trên có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khu vực và tăng nguy cơ xung đột.
Washington cho rằng Bắc Kinh khó có thể giữ chân các lực lượng của nước này ở ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định động thái trên của Trung Quốc sẽ gây khó dễ cho Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh có quân lực yếu hơn như Philippines. Việc triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm và đặc biệt là radar có thể thúc đẩy hải quân Trung Quốc, nhưng lại khiến các chỉ huy Mỹ rơi vào trạng thái ngập ngừng.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng 2, Đô đốc. Harry B. Harris Jr., chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo hành động của Trung Quốc "đang làm thay đổi hiện trạng chiến lược trên Biển Đông".
Quan chức tình báo hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama, James R. Clapper, dự đoán Trung Quốc "có tiềm lực lớn để nhanh chóng triển khai sức mạnh quân sự đến khu vực" vào đầu năm tới.
Theo ông Clapper, dù chưa hoàn thành xây dựng, Trung Quốc đã có thể triển khai máy bay chiến đấu, tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển cũng như tàu chiến và tàu bảo vệ bờ biển kích thước lớn đến các đảo nhân tạo mới trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông khẳng định radar quân sự đã được lắp đặt trên đá Châu Viên, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 960 km. Về lý thuyết, nó có thể tăng cường sức mạnh cho tên lửa diệt hạm DF-21D của Trung Quốc khi tấn công các mục tiêu tầm xa và cản trợ nỗ lực của Hải quân Mỹ trong việc triển khai các biện pháp đối phó.
Tăng khả năng theo dõi mục tiêu tầm xa
Hồi tháng 2, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc trước việc Trung Quốc xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa HQ-9 tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó, nhiều cuộc tuần hành nhằm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông năm 2014 đã diễn ra trên các thành phố lớn của Việt Nam.
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc cũng khiến Philippines giận giữ. Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, hành vi bị Tổng thống Benigno S. Aquino III so sánh với việc sáp nhập Tiệp Khắc của Đức quốc xã trong Thế chiến II.
Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến dạng sau các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc. Ảnh: CSIS |
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo Trung Quốc đang lăm le đánh bật lực lượng Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây, và thúc giục chính quyền Obama xem xét phản ứng đáp trả. Philippines mới đây tố cáo Trung Quốc điều tàu đến gần bãi Hải Sâm, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và chặn các tàu cá tiếp cận ngư trường này.
Giới phân tích nhận định việc xây dựng trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông nhằm giúp cho tàu Trung Quốc hoạt động dễ dàng hơn trong thời gian dài ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà không cần quay lại đất liền.
"Giờ đây, các tàu Trung Quốc có thể ở lại trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam bất cứ lúc nào họ muốn một cách khá tự tin", Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay. Ông Poling nhấn mạnh việc lắp đặt hệ thống radar mới trên đá Châu Viên có thể giúp Trung Quốc tăng khả năng quan sát và theo dõi các mục tiêu tầm xa như eo biển Malacca.
Tại cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết không "quân sự hóa" quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng không nhắc tới quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh đồng thời ngang nhiên tuyên bố có quyền xây "cơ sở phòng thủ hạn chế" trên Biển Đông và so sánh với các căn cứ Mỹ tại Hawaii.
Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ xây các bể chứa nhiên liệu lớn trên các đảo tiếp theo, cho phép máy bay chiến đấu ở lại trong khu vực này lâu hơn, sau đó tuyên bố "vùng nhận dạng phòng không" trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có quyền yêu cầu máy bay vào khu vực phải khai báo và có hành động quân sự đối với các trường hợp không tuân theo yêu cầu. Nhật và Mỹ không công nhận tuyên bố này và cũng không hợp tác. Chính quyền Obama cũng đã nỗ lực đưa ra chính sách nhằm ngăn chặn cái được gọi là quân sự hoá trên Biển Đông của Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Lầu Năm Góc đã thúc đẩy hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, điều tàu chiến và chiến đấu cơ nhằm khẳng định quan điểm của Washington rằng các khu vực này vẫn là vùng biển và không phận quốc tế. Bắc Kinh ngang ngược đáp trả rằng chính Mỹ mới là nước quân sự hoá trên Biển Đông.
"Trung Quốc là nước đầu tiên khai phá, đặt tên, xây dựng và quản lý các đảo trên Biển Đông. Lịch sử sẽ chứng minh ai chỉ là khách và ai mới là chủ thực sự", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị loạn ngôn trong cuộc họp báo ngày 3/3.