Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Mỹ cần lập liên minh châu Á ngăn TQ bá quyền ở Biển Đông’

Chuyên gia hải quân Mỹ nhận định Washington cần tăng cường hoạt động quân sự và thành lập liên minh châu Á để ngăn chặn hành động gây hấn, bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ gần đây điều nhóm tàu sân bay tới Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây lo ngại, bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối không trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, lắp đặt các trạm radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Ông Steven Mosher, chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số đồng thời là cựu quan chức Hải quân Mỹ, nhận định không thể phủ nhận sự nghiêm trọng của những gì đang diễn ra trên Biển Đông. Washington đang đi đúng hướng nhưng cần tăng cường các hoạt động trong khu vực nhằm ngăn chặn Bắc Kinh đạt được mục tiêu cuối cùng, Epoch Times đưa tin.

Theo ông Mosher, Hải quân Mỹ cần thành lập một liên minh ở châu Á, quy tụ các đồng minh để tạo ra đội tàu đa quốc gia, thay vì chỉ điều tàu chiến tới khu vực và thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

“Tôi cho rằng cách này có thể ngăn các hành động gây hấn của Bắc Kinh”, ông Mosher tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng liên minh có thể hoạt động như tổ chức hiệp ước châu Á, tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nếu chiến lược này sớm được thực hiện, nó có thể đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán. Ông Mosher đề xuất chiến lược trong sự kiện tại trụ sở của Hệ thống Hải lực Hải quân (NAVSEA) ở Washington vào cuối tháng 2.

lien minh chau A chong Trung Quoc,  lien minh chau A,  Trung Quoc ba quyen,  NATO chau A anh 1
Sự hung hăng của Trung Quốc đẩy các nước láng giềng đến gần nhau hơn. Ảnh minh họa: AFP

Thực tế, Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát Biển Đông trên nhiều mặt trận, bao gồm sử dụng quân đội để chiếm đoạt lãnh thổ, xây dựng cơ sở phòng thủ. Tuy nhiên, cách thức chính mà nước này sử dụng để đối phó với các quốc gia khác là thao túng hệ thống luật pháp và tuyên truyền, bao gồm tố ngược Mỹ là kẻ gây hấn và bá quyền.

Theo ông Mosher, Hải quân Mỹ cần tránh việc đưa những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Biển Đông thành cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc đơn giản chỉ sử dụng biện pháp tuyên truyền để đối phó với lợi ích của Mỹ.

Với các quốc gia yếu hơn, chiến lược chính của Trung Quốc là đe dọa. “Bắc Kinh bắt nạt các nước khác khi cảm thấy nó là một quốc gia mạnh hơn, nhưng lại nhún nhường khi là kẻ yếu thế”, ông Mosher nói.

Cùng quan điểm, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, ngày 2/3 đề nghị khởi động lại liên minh chiến lược phi chính thức giữa hải quân Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. Liên minh mang tính chất thử nghiệm này bị gác lại 10 năm trước do sự phản đối ngoại giao của Trung Quốc, theo New York Times.

Mặc dù không đề cập cụ thể tới Bắc Kinh, ông Harris chỉ trích một số nước lớn đang “bắt nạt những nước nhỏ hơn bằng cách đe dọa, cưỡng chế". Việc hình thành liên minh hải quân là cách tốt nhất để đối phó tình trạng này.

"Các cuộc tập trận chung sẽ giúp các nước hoạt động cùng nhau. Với tham vọng này, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Mỹ và các quốc gia chung chí hướng có thể hoạt động ở mọi vùng biển quốc tế và vùng không phận phía trên đó", Đô đốc Harris phát biểu.

Đây là đề xuất mới nhất trong một loạt lời đề nghị của Mỹ với Ấn Độ, quốc gia luôn thận trọng với việc gia nhập liên minh chiến lược, để trở thành một phần trong mạng lưới các cường quốc hải quân nhằm ngăn chặn hành vi bành trướng của Trung Quốc trên biển.

lien minh chau A chong Trung Quoc,  lien minh chau A,  Trung Quoc ba quyen,  NATO chau A anh 2
Ảnh vệ tinh cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International

Vào giữa tháng 2, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, như triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Những hành động của Trung Quốc vấp phải chỉ trích dữ dội của thế giới, bao gồm giới chức quân sự Mỹ.

Đô đốc Harry Harris cảnh báo tham vọng của Trung Quốc là muốn giành quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông. Ông lo ngại “khả năng nước này tiến tới tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ)” ở Biển Đông.

Ngày 4/3, các quan chức quân sự Mỹ cho biết tàu sân bay John C. Stennis cùng một số tàu chiến đã hoạt động ở Biển Đông những ngày gần đây. Một số chuyên gia nhận định sự hiện diện của các tàu, cụ thể là tàu Stennis, là tín hiệu rõ ràng gửi đến Trung Quốc và khu vực. 

Trung Quốc cho hay quân đội nước này sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn, thậm chí đe dọa sẽ bắn các tàu của Mỹ. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cố gắng hối thúc các quốc gia như Ấn Độ, Australia điều tàu chiến tham gia tuần tra để thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông, Mỹ cần áp dụng đồng thời các biện pháp ngoại giao, quốc phòng và kinh tế.

Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm