Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Mỹ - Trung so kè vũ khí ở Biển Đông'

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên tư lệnh quân khu 1 nói về kịch bản đụng độ Mỹ - Trung ở Biển Đông và những toan tính của hai bên.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên tư lệnh quân khu 1 nói về kịch bản đụng độ Mỹ - Trung ở Biển Đông. Ảnh: NVCC

Thưa Trung tướng, là người từng nhiều năm cầm quân, ông nhận xét thế nào về việc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố đưa tàu sân bay, tàu chiến đến Biển Đông trong hành động được mô tả là “thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc”?

Thực ra năm ngoái Mỹ đã đưa chiến hạm tuần tra, thể hiện “quyền tự do lưu thông hàng hải theo luật pháp quốc tế” mà họ tuyên bố trong bối cảnh Trung Quốc đòi chủ quyền phi lý trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo dõi tình hình nhiều năm qua, tôi cho rằng chính sách hướng Đông của Mỹ sẽ không thay đổi, họ sẽ từng bước thực hiện điều đó. Người Mỹ đang toan tính thành lập khối NATO thu nhỏ ở Thái Bình Dương với nền móng là các nước Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Indonesia. Có thể thấy nước Mỹ có không ít đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi nghĩ họ có những toan tính riêng, đó là lập liên minh quân sự để đối trọng với Trung Quốc ở khu vực này.

Với chính sách hướng Đông, việc Mỹ đưa tiềm năng quân sự vào Biển Đông là tất yếu. Khu vực này cũng không xa lạ với Hạm đội Thái Bình Dương khi họ đã có mặt ở đây từ thế kỷ trước, trong chiến tranh Việt Nam.

Việc này có thể sẽ khiến tình hình ở Biển Đông trở nên nóng hơn bao giờ hết, bởi chẳng bao giờ tàu sân bay hoạt động đơn độc. Đi cùng tàu sân bay là hàng loạt tàu chiến bảo vệ, máy bay cảnh giới, hệ thống vệ tinh tình báo... Và rất có thể phải tính tới phương án Mỹ điều tàu ngầm theo bảo vệ tàu sân bay và phục vụ những mục đích của riêng họ.

Trong tình hình như thế, Việt Nam có lợi gì và cần phải cảnh giác những gì?

Về mặt lợi, có thể nói chúng ta không đơn độc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa và Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, lịch sử ghi nhận điều đó và không thế lực nào thay đổi được sự thực ấy. Lãnh hải của Trung Quốc chỉ đến cực Nam đảo Hải Nam, nhưng họ chưa bao giờ từ bỏ dã tâm độc chiếm Biển Đông.

Chúng ta đã đấu tranh và sẽ tiếp tục đấu tranh trên mọi mặt trận, đặc biệt là mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Tôi lấy ví dụ Tuyên bố chung Mỹ - ASEAN vừa qua, chúng ta có thể thấy rõ cộng đồng quốc tế đều lên án việc “bắt chẹt” các nước khác của Bắc Kinh, lên án việc cải tạo, quân sự hóa Trường Sa, Hoàng Sa.

Tàu chiến Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển. Ảnh: AP

- Chúng ta cần chú ý thêm điều gì qua diễn biến này, thưa Trung tướng?

Mọi thứ đều có hai mặt của nó. Chúng ta cần hiểu rõ, Mỹ sẽ không bao giờ cho không ai cái gì. Đương nhiên việc Mỹ hiện diện quân sự ở Biển Đông ít nhiều sẽ khiến Trung Quốc chùn bước, thận trọng hơn. Thế nhưng, điều này cũng mang lại sự phức tạp riêng. Người Mỹ có toan tính của họ, đó là thành lập NATO châu Á như tôi nói ở trên.

Xét từ góc độ khác, Mỹ là nước buôn bán vũ khí lớn nhất trên thế giới. Họ cũng không thể để quân đội ngồi yên không hoạt động, không thể xếp vũ khí trong kho. Những hoạt động như tuần tiễu, đưa tàu sân bay vào Biển Đông cũng phục vụ cho mục đích diễn tập quân sự, thử nghiệm vũ khí, khí tài. Rất có thể, họ cũng muốn thử nghiệm năng lực tác chiến điện tử trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng.

Tôi cho rằng, bất cứ quốc gia nào hoạt động ở Biển Đông đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đó là đi qua vô hại và không neo đậu, không dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực với quốc gia khác.

- Theo Trung tướng, những diễn biến mới sẽ đẩy tình hình căng thẳng tới mức có đụng độ?

Theo tôi, cả hai bên sẽ kìm chế không để xảy ra xung độ quy mô lớn bởi điều này sẽ kéo theo những hệ lụy rất lớn mà cả hai cùng không muốn đối mặt.

Nói cách khác, có thể sẽ có những vụ tàu Trung Quốc và tàu Mỹ vờn nhau, hay Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Mỹ nhưng chỉ dừng ở va chạm nhỏ. Cả Washington và Bắc Kinh đều biết rằng Thế chiến I bắt nguồn từ một phát súng ám sát, họ đương nhiên không muốn điều đó lặp lại.

Đưa tàu sân bay tới Biển Đông, Mỹ gửi đi 3 thông điệp

Chia sẻ với Zing.vn, tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định rằng Mỹ muốn gửi 3 thông điệp: Thông điệp thứ nhất là gửi đến Trung Quốc, cảnh báo Bắc Kinh không được "bắt nạt" các nước láng giềng. Trung Quốc bị Philippines tố cáo gây sức ép ở bãi Hải Sâm, điều này đã bị Mỹ cảnh báo nhiều lần.

Thông điệp thứ hai Mỹ muốn gửi đến cộng đồng quốc tế rằng Washington đã hiện diện ở Biển Đông và sẽ còn hiện diện lâu dài. Thông điệp thứ 3 là Mỹ muốn trấn an đồng minh rằng lần này Washington đưa tàu sân bay là phản ứng khá quyết liệt.

Tuy nhiên, diễn biến này cần được theo dõi sát sao bởi nếu tàu sân bay Mỹ duy trì hoạt động ở Biển Đông thì Trung Quốc có cớ tăng cường quân sự hóa ở Trường Sa và Hoàng Sa. Hoạt động của Mỹ có thể làm phức tạp thêm tình hình trong bối cảnh diễn biến dân sự ở Biển Đông ngày càng có dấu hiệu quân sự hóa.

Tính từ năm 2014 đến nay, tổng diện tích Trung Quốc bồi lấn trái phép ở Trường Sa là 1.200 ha. Trong khi đó, tổng diện tích mà các nước ở ASEAN làm chỉ là 46 ha. Có những thời điểm, tại 7 điểm đảo, đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam, có tới 500 tàu thuyền nước này hoạt động.

Điều cần làm hiện nay là cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn, không để bên nào sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Sử dụng vũ lực ngăn chặn vũ lực hoàn toàn có thể gây rủi ro và dẫn đến hệ quả xấu.

Xét cho cùng, vấn đề ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương, dựa trên luật pháp quốc tế.

Nguyên Vũ (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm