Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến lược ngăn chặn Trung Quốc lộng hành trên Biển Đông

Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông, Mỹ cần áp dụng đồng thời các biện pháp ngoại giao, quốc phòng và kinh tế.

Trong năm 2015, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc Bắc Kinh xây dựng nhiều cơ sở kiên cố, trong đó có đường băng dài tới 3.000 m trên đảo nhân tạo phi pháp, làm dấy lên nhiều quan ngại về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

Ứng xử như thế nào trước một Bắc Kinh ngày càng lộng hành trên Biển Đông không phải là câu hỏi dành riêng cho các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp. Trong bài viết trên tạp chí Forbes, ông Dan Katz, giám đốc phân tích quốc phòng của Aviation Week, đã trả lời câu hỏi về chiến lược tốt nhất của Mỹ trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo ông Katz, Mỹ cần áp dụng các biện pháp toàn diện để đạt hiệu quả như mong đợi.

 

 

 

 

 

 

 

Trung Quốc xây dựng đường băng dài 3.000 m sau khi bồi lấp phi pháp đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

“Trung Quốc đang thực hiện các nước cờ nhằm từng bước xâm lấn lãnh thổ trên Biển Đông. Để giải quyết nó, Washington nên tối đa hóa sự hỗ trợ ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận với các bên liên quan đồng thời ngăn chặn nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp quân sự và cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc”, Ketz nhận định.

Đa phương

Trên phương diện ngoại giao, Mỹ nên tiếp tục nhấn mạnh Trung Quốc cần thảo luận về tranh chấp Biển Đông tại diễn đàn ASEAN thay vì làm việc song phương với từng quốc gia có tranh chấp. Mỹ cũng cần tiếp tục khuyến khích Nhật Bản, Australia, Ấn Độ... tăng cường tham gia vào khu vực và hợp tác với ASEAN.

Về mặt quân sự, Mỹ cần cải thiện vị trí của mình ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển tới mức có thể đe dọa Mỹ trong một cuộc chiến cục bộ, chớp nhoáng, biến tình hình các điểm nóng trở thành xung đột. Nhằm giảm xu hướng này, Mỹ nên gia tăng chi tiêu quân sự, mở rộng quy mô của lực lượng tác chiến trên không, trên biển và trên bộ cũng như củng cố các lực lượng đồn trú trong khu vực nhằm chống lại những vụ tấn công bất ngờ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Mỹ cũng cần xây dựng những căn cứ ngắn hạn và dài hạn dọc theo Biển Đông, vốn đang bị Washington bỏ ngỏ. Việc tăng cường viện trợ quân sự cho Philippines, đồng minh của Mỹ trong khu vực, sẽ giúp Manila ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Philippines là một trong các bên có tranh chấp chủ quyền trực tiếp trên Biển Đông.

Các nước ASEAN, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp, đang đầu tư tiền của nhằm cải tiến khả năng chiến đấu của quân đội. Tuy nhiên, ASEAN còn phải lo về sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc. Nhằm giảm thiểu nguy cơ này, Mỹ cần tiếp tục liên kết chặt chẽ với các nền kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm tạo ra giải pháp thay thế cho các nước Đông Nam Á.

 

 

 

Các hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc trên đá Xu Bi. Ảnh: CSIS

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là bước tiến của Mỹ trong lĩnh vực này. Washington nên xem xét để tiếp tục liên kết với các nền kinh tế nhỏ trong ASEAN với các nước lớn khác, chẳng hạn Ấn Độ. Việc này sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu thay thế trong trường hợp Trung Quốc gây sức ép trên phương diện kinh tế.

Lý do Mỹ cần can thiệp

Trung Quốc đổ nhiều tỷ USD để xây dựng quân đội, trong đó có việc hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Theo tính toán, lượng hàng hóa khoảng 5 nghìn tỷ USD được vận chuyển qua Biển Đông mỗi năm, trong đó số hàng hóa trị giá khoảng 1,2 nghìn tỷ có điểm đến hoặc đi từ các cảng của Mỹ.

Bản thân Biển Đông cũng có thể chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản lớn. Cơ quan chuyên trách của Mỹ ước tính các mỏ dưới Biển Đông có trữ lượng 11 tỷ thùng dầu và hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ m3 khí tự nhiên. Việc kiểm soát Biển Đông mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế nhưng lại gây cho Mỹ nhiều rắc rối.

Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 9/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không thể tìm tiếng nói chung về Biển Đông. Nhằm bác bỏ cái gọi là yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, Mỹ từng đưa tàu chiến và máy bay áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, xung đột có thể xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc trong trường hợp hiểu nhầm hoặc tai nạn quân sự.

Mỹ luôn khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong Biển Đông. Ảnh hưởng của Mỹ ở Thái Bình Dương gắn liền với quyền tự do đi lại trên các vùng biển. Việc Trung Quốc bồi lấp các đảo phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quân sự hóa chúng có thể hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ, điều khiến các nhà hoạch định quân sự Mỹ không thể ngồi yên, nhà phân tích của CNBC nhận định.

TQ giải thích vô lý việc đưa chiến đấu cơ ra Hoàng Sa

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/2 ngang nhiên nói những hoạt động trái phép của nước này ở các quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là "phòng vệ cần thiết”.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm