Chiến đấu cơ J-11 mà Trung Quốc triển khai trái phép ra đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh: USAF |
Bộ trưởng Ashton Carter cho rằng, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng rủi ro “tính toán sai lầm hoặc xung đột” giữa các nước trong khu vực.
Trước những hành động quân sự liên tiếp của Trung Quốc, ông Carton cho biết các nước trong khu vực đã phản ứng bằng cách tăng cường hoạt động hàng hải và hợp tác với Mỹ.
“Những đồng minh cũ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines, cùng các đối tác mới như Ấn Độ đang hợp tác tích cực với Mỹ”, ông Carter trình bày trước Uỷ ban Chuẩn chi Hạ viện Mỹ.
Cùng ngày, phát biểu trước các phóng viên tại Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 25/2, Đô đốc Harris cho rằng những hành động của Trung Quốc như xây dựng căn cứ không quân, củng cố các hầm trú ẩn, lắp đặt trạm radar hiện đại và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa… là cách mà Bắc Kinh thể hiện quyết tâm đạt được ưu thế quân sự tại khu vực Biển Đông.
“Nếu Trung Quốc tiếp tục vũ trang ở tất cả những căn cứ mà họ đã cải tạo ở Biển Đông, nước này sẽ thay đổi toàn bộ môi trường hoạt động trong khu vực. Thiếu điều là gây chiến với Mỹ, Trung Quốc sẽ thực thi kiểm soát thực tế ở Biển Đông”, AFP trích lời ông Harris.
Trước hàng loạt động thái quân sự của Trung Quốc, Đô đốc Harris bày tỏ lo ngại “khả năng nước này tiến tới tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)”. Ông khẳng định đây sẽ là hành động gây “bất ổn” và “khiêu khích”.
Bình luận về phát biểu của Đô đốc Harris, bà Bonnie Glasser, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng ông đang “gióng lên hồi chuông cảnh báo về những chuyện có thể xảy ra nếu không có sự đẩy lùi hiệu quả. Điều mà đô đốc muốn kêu gọi là sự phản ứng mạnh mẽ từ trong và ngoài khu vực. Mỹ không thể đơn độc thực hiện việc này”.
Vào ngày 25/2, Tướng Joe Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, cũng bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc muốn cản trở những hoạt động của Mỹ trong khu vực. “Đối với tôi, điều này đã quá rõ ràng, khi Trung Quốc đang cải thiện năng lực ‘chống xâm nhập, chống tiếp cận' và có ý đồ giới hạn hoạt động của chúng ta ở Thái Bình Dương, hoặc ngăn cản Mỹ hoạt động tự do ở khu vực”.