Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc lắp trạm radar trên đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Tại cuộc họp báo đêm 25/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngang nhiên cho rằng những hoạt động của Trung Quốc khiến thế giới lo ngại, bao gồm xây lắp các trạm radar ở quần đảo Trường Sa và điều chiến đấu cơ, tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, là “sự phòng vệ cần thiết”, theo AFP.
Ông Ngô Khiêm cũng lặp lại giọng điệu đổ lỗi ngược lâu nay của Trung Quốc, khi cáo buộc “Mỹ mới là phía thúc đẩy quân sự hoá ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng dư luận đang “chóng mặt” vì những chiêu của giới truyền thông Mỹ. “Mới đây họ nói về tên lửa phòng không, rồi radar và các máy bay chiến đấu. Ai biết được ngày mai họ lại cáo buộc về loại vũ khí mới được triển khai nào”.
Ông Ngô cũng bác bỏ cáo buộc của Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, khi cho rằng Trung Quốc muốn theo đuổi bá quyền ở khu vực Đông Á.
Chỉ trong một tuần, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, các nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.
Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 25/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh, bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn liên tiếp có các hoạt động không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực và an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trước đó, vào ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến phía Trung Quốc, trước việc nước này xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.