Ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây các trạm radar trên các thực thể địa lý mà Bắc Kinh bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Ảnh vệ tinh phát hiện các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Âm mưu của Trung Quốc khi lắp đặt radar trên Biển Đông
Trao đổi nhanh với phóng viên Zing.vn trước giờ lên máy bay đi công tác, Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, người từng nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng Trung Quốc sẽ có nhiều lợi ích khi lắp đặt hệ thống radar dày đặc trên các đá và rạn san hô mà quốc gia này chiếm đóng và bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
“Radar, thiết bị nghe lén điện tử và hệ thống thông tin liên lạc sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới", GS Thayer nhận định.
Ông cho rằng hệ thống này còn giúp Bắc Kinh vận hành phi cơ giám sát, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay không người lái, phi cơ vận tải, máy bay tiếp dầu, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ.
"Biển Đông có thể bị Bắc Kinh giám sát 24/7. Khi hệ thống này hoàn thiện, Trung Quốc có thể tạo ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông”, GS Thayer nói.
Ông Thayer cho biết thêm, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn của Việt Nam từ năm 1995 và xây dựng trên đó công trình phi pháp đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh tiến hành các hoạt động mở rộng vào tháng 10/1998 với việc bổ sung 3 công trình bằng gỗ hình bát giác và hai tòa tháp bê tông 2 tầng ở mỗi đầu của thực thể địa lý này. Chúng được sử dụng làm thiết bị liên lạc vệ tinh và ăng ten tần số cao. Bắc Kinh tiếp tục nâng cấp các công trình ở Vành Khăn, trong đó có 2 cầu cảng, một bãi đáp trực thăng và một radar định vị của hải quân.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông. Ảnh: Getty |
Ở thời điểm hiện tại, hệ thống các thiết bị mà Trung Quốc lắp đặt trên các đảo nhân tạo phi pháp có thể tạo ra mạng lưới giám sát rộng lớn. Nó ra đời nhằm phục vụ tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các hệ thống này cũng đang phát huy vai trò của nó, Giáo sư Thayer nói.
Ngày 5/8/2015, Trung Quốc đưa vào hoạt động hệ thống radar cảnh báo sớm trên đá Chữ Thập thông qua việc thách thức máy bay tuần tra, do thám P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ. Hiện tại, đá Chữ Thập được Trung Quốc sử dụng làm căn cứ cho các tàu cảnh sát biển, những phương tiện được tích hợp sẵn radar tìm kiếm trên không.
Các công trình phi pháp của Trung Quốc trên đá Gạc Ma. Ảnh: CSIS |
Những nhận định của Giáo sư Thayer được đưa ra khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố loạt ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều công trình trong số đó bị nghi là tháp radar.
Mức độ nguy hiểm của radar Trung Quốc
Gregory Poling, người đứng đầu Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết, Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng trên đá Châu Viên. Sự việc bị phanh phui không lâu sau khi thế giới phát hiện Bắc Kinh đưa HQ-9 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Việc triển khai tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm không thực sự đáng chú ý vì nó chưa làm thay đổi cán quân quân sự trên Biển Đông. Ngược lại, việc đưa radar tới Trường Sa có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong thực trạng trên tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới này”, Poling nhận định.
Bắc Kinh hiện tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông. Washington lo ngại mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là biến tuyến hàng hải huyết mạch này trở thành ao nhà của Bắc Kinh. Với hệ thống đường băng dài được xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang cố gắng gia răng khả năng phòng không trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp. Nó nằm trong chiến lược chống tiếp cận dài hạn của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng cho rằng: “Hầu hết mọi người nhận ra sự hiện diện của các thiết bị Trung Quốc ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích chiến lược của Trung Quốc. Nó nhằm mục đích quân sự chứ không phải dân sự. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc đầu tư tiền của, công sức để xây dựng chúng”.
Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã quá rõ ràng, với cái mà Bắc Kinh gọi là đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò. Điểm xa nhất của nó nằm cách đảo Hải Nam 1.500 km về phía nam và bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.
“Cải thiện vùng phủ sóng radar cùng với hệ thống phòng không tiên tiến là phần quan trọng để Trung Quốc đạt được mục đích. Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu thiết lập quyền kiểm soát khắp vùng biển và vùng trời trong phạm vi đường lưỡi bò trên Biển Đông”, CSIS nhận định.