“Hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa của Lockheed là vũ khí mà chúng ta cần nhanh chóng triển khai”, Đô đốc Harry Harris phát biểu ở phiên điều trần trước Uỷ ban Quân lực Thượng viện ngày 23/2 (giờ địa phương).
Ông Harris nhắc lại tình hình vừa qua trên Biển Đông rằng Trung Quốc đang triển khai các tên lửa chống hạm có thể phóng từ khoảng cách rất xa so với các tàu Mỹ, khiến tên lửa khó bị phát hiện và bị tiêu diệt. Hiện tại, cả Trung Quốc và Nga điều ra mặt trận những tên lửa tốc độ cao hơn so với Mỹ. “Tôi cần hệ thống vũ khí có tính hiệu quả cao, nhanh hơn và khó bị tiêu diệt hơn”, Đô đốc Harris nói.
Việc mua tên lửa chống hạm do Lockheed sản xuất, hay LRASM, nằm trong dự thảo ngân sách quốc phòng năm tài chính 2017 của Lầu Năm Góc, nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của Hải quân Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter từng nhấn mạnh khoản chi này nhằm đối phó với các vũ khí và tàu chiến hiện đại của Trung Quốc và Nga. Hải quân Mỹ dự kiến mua 24 tên lửa trong năm tới, và 464 tên lửa cho đến năm 2021. Chúng sẽ được đặt trong các máy bay ném bom B-1B từ tháng 9/2018, và trên mỗi máy bay chiến đấu F/A-18E/F của hải quân trong năm sau đó.
Ông Harris cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang cải thiện sức huỷ diệt và khả năng chống đỡ của những tàu ngầm tấn công của nước này, đồng thời xây dựng những tàu ngầm hạt nhân - diesel hoạt động thầm lặng hơn.
Trung Quốc hiện sở hữu 4 tàu ngầm lớp Jin chở tên lửa đạn đạo đang hoạt động, một tàu nữa dự kiến hạ thuỷ năm 2019. “Tàu ngầm lớp Jin có vũ trang sẽ mang lại cho Trung Quốc năng lực chiến lược quan trọng, chúng ta phải đối phó với điều này”, ông Harris nói.
Cũng theo vị đô đốc Mỹ, nước Nga đang hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm tấn công đa năng lớp Oscar, đóng tàu lớp Yasen mới, “qua đó tăng cường đáng kể khả năng răn đe chiến lược của họ”. Trong bối cảnh các diễn biến phức tạp này, Đô đốc Harris khẳng định: “Mỹ phải duy trì lợi thế trong chiến tranh dưới nước, bao gồm các tàu ngầm tấn công của chúng ta, kho vũ khí trên tàu ngầm, và những hệ thống chiến đấu chống ngầm khác”.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Tại buổi điều trần, Đô đốc Harris cũng khẳng định những hành động liên tiếp gần đây của Trung Quốc như đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xây các loạt radar và đường băng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, “đang làm thay đổi môi trường hoạt động ở Biển Đông”.
Khi được hỏi về mục tiêu của những hành động của Trung Quốc, Đô đốc Harris khẳng định: “Tôi tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi bá quyền ở Đông Á”.
Theo Reuters, vị đô đốc Mỹ nói, ông ủng hộ những cuộc tuần tra hàng hải và hàng không của Mỹ diễn ra thường xuyên hơn trên Biển Đông.
Trả lời một câu hỏi khác, ông Harris nhận định các tên lửa chống hạm DF-21 và DF-26 của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe doạ đối với các tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, “Mỹ có khả năng thực hiện những điều mà chúng ta cần phải làm, nếu hoàn cảnh bắt buộc”.
Harris kêu gọi Hải quân Mỹ cần đầu tư phát triển thế hệ tên lửa mới để đối phó với Trung Quốc. “Khi tôi bắt đầu bay trên những chiếc P-3 hồi thập niên 1970, chúng ta đã có tên lửa Harpoon. Ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng loại tên lửa này”, Navy Times trích lời ông Harris.
Trước đó, trong buổi họp báo chung ngày 23/2 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Vương cho rằng “quân sự hoá” không phải là hành động từ một phía, đổ lỗi cho những cuộc tuần tra do Mỹ tiến hành. “Chúng tôi hy vọng sẽ không tiếp tục bắt gặp những vụ do thám quân sự rất gần, hay việc điều tàu, khu trục hạm hay máy bay ném bom đến Biển Đông”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Ngoại trưởng Kerry đã phản hồi rằng, những hoạt động của Trung Quốc đã tạo nên “chu kỳ leo thang”, nhấn mạnh Mỹ "chỉ muốn phá vỡ chu kỳ này”. “Điều đáng tiếc là tên lửa, máy bay chiến đấu và các khẩu pháo đã xuất hiện ở Biển Đông, gây lo ngại lớn đối với việc lưu thông qua khu vực này, cũng như với những bên phụ thuộc vào Biển Đông để phát triển thương mại một cách hoà bình”, ông Kerry nói.
Chỉ trong một tuần, Trung Quốc đã liên tiếp có những hành vi gây lo ngại nghiêm trọng ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 16/2, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Đến ngày 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Ngày 23/2, một số nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm.
Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến phía Trung Quốc, trước việc nước này xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.