Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp ngày 23/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc |
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không phủ nhận hay khẳng định việc lắp đặt radar ở một vài điểm đảo trên quần đảo Trường Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Vấn đề được truyền thông phương Tây coi là nguy hiểm hơn cả tên lửa HQ-9 được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bà Hoa mạnh miệng nói: "Số đảo mà Trung Quốc nắm giữ ở Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là có hạn, nếu có thực hiện các biện pháp phòng vệ cũng chỉ là theo quyền tự bảo vệ chủ quyền được luật pháp quốc tế công nhận".
Phớt lờ việc chiếm đóng trái phép, bà Hoa lu loa rằng "truyền thông dường như chỉ chĩa ống kính vào Trung Quốc để xem chúng tôi có hoạt động quân sự nào hay không". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn 'dạy bảo' truyền thông quốc tế nên "có cái nhìn rộng mở hơn với vấn đề Nam Hải (Biển Đông)".
Bà Hoa nói báo chí nên lưu tâm đến các ngọn hải đăng, trạm khí tượng trái phép mà nước này xây dựng ở một số điểm đảo, đá tại Trường Sa. "Đây chính là những công trình phục vụ lợi ích quốc tế mà Trung Quốc xây dựng với tư cách là nước lớn nhất ven biển", bà Hoa nói.
Các hoạt động xây dựng đang diễn ra trên đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma hay đặc biệt là đá Châu Viên, có thể phục vụ cho chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Trong khi thế giới lên tiếng chỉ trích những hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua, bà Oánh vẫn mạnh mồm tuyên bố về "thành ý bảo vệ hòa bình và ổn định" ở Biển Đông.
Hôm 22/2 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết các bức ảnh vệ tinh chụp từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ mới đây tuyên bố sẽ cùng Australia và "một số quốc gia khác" tuần tra trong khu vực 12 hải lý tại các điểm đảo ở Trường Sa để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Thông tin này được một số tờ báo ở Mỹ coi là "lời cảnh cáo" của Washington với Bắc Kinh khi nước này mở rộng diện tích các đảo nhân tạo đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, bà Hoa Xuân Oánh tiếp tục dùng chiêu bài "nước lớn" với tuyên bố: "Trung Quốc là quốc gia có nền thương mại lớn nhất thế giới và là quốc gia ven biển lớn nhất thế giới nên chúng tôi coi trọng tự do hàng hải hơn bất cứ ai".
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ hồi tháng 10/2015 đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông. Ảnh: US Navy |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói việc chụp cho nước này cái mũ "gây ảnh hưởng tự do, an toàn hàng hải" ở Biển Đông là không hợp lý. Theo đó, Bắc Kinh cho rằng một số người ở Mỹ luôn sử dụng "tự do, an toàn hàng hải" với "ý đồ khác nhắm vào Trung Quốc".
Khác với những phát ngôn mang tính ngoại giao trước kia, lần này, bà Hoa nói đích danh Mỹ là nước "luôn diễu võ dương oai" ở Biển Đông và luôn theo đuổi "bá quyền quân sự" trên biển.
Liên quan tới thuật ngữ "Vạn lý trường thành trên biển" được báo chí thế giới sử dụng rộng rãi ám chỉ mưu đồ của Bắc Kinh khi mở rộng đảo nhân tạo nhằm nuốt trọn Biển Đông, bà Hoa hung hăng tuyên bố: "Trung Quốc mở rộng không nhằm ý đồ gì, và cũng không cho phép thu nhỏ diện tích đảo". Bà Hoa Xuân Oánh còn ngang nhiên nói thế giới nên coi đó là "Vạn lý trường thành về ý chí" khi nhắc đến hoạt động cải tạo đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh tại Trường Sa.