Chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc. Ảnh: Wiki/USAF |
Động thái này của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi nước này điều trái phép các tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm và một tuần sau khi hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN kết thúc ở Sunnylands.
Hai quan chức Mỹ nói với Fox News rằng, các máy bay chiến đấu mà Trung Quốc vừa triển khai ra đảo Phú Lâm lần này là J-11 và JH-7. Cơ quan tình báo Mỹ đã giám sát hoạt động của chúng ở Phú Lâm trong những ngày qua.
Theo AFP, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, ông Darryn James, xác nhận bản tin của Fox News. “Chúng tôi lo ngại rằng Trung Quốc sẽ còn tiếp tục đưa các hệ thống vũ khí hiện đại ra Biển Đông”, ông James nói.
Tuần trước, Fox News cũng là hãng tin Mỹ đầu tiên đưa tin về việc tên lửa Trung Quốc xuất hiện tại đảo này.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc điều chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm. Trước đó, vào tháng 11/2015, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải các ảnh về máy bay J-11 hoạt động trái phép ở đảo này.
Hôm 22/2, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cho biết các bức ảnh vệ tinh chụp từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 cho thấy Trung Quốc đã xây dựng các tháp radar trên 4 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã huỷ chuyến thăm đến Lầu Năm Góc hôm nay 23/2, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của ông Vương giữa lúc Trung - Mỹ có nhiều bất đồng về vấn đề Biển Đông. Hiện chưa rõ nguyên nhân của quyết định này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook chỉ cho biết lý do hai bên không thoả thuận được về lịch trình.
Đảo Phú Lâm thuộc nhóm đảo An Vĩnh trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa từ năm 1974. Trong những tuyên bố phản đối hành vi phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam luôn khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 19/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến phía Trung Quốc, trước việc nước này xây căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa và đưa tên lửa tới đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng đã có công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên.