Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến dạng sau các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc. Ảnh: CSIS |
USNI News, trang tin tức và phân tích hàng hải của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ, cho hay trong bản báo đánh giá trình lên Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper đề cập nhiều tới tốc độ quân sự hóa của Trung Quốc.
“Căn cứ vào mức độ bồi lấp và các hoạt động xây dựng, chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc đã tạo ra cơ sở hạ tầng đủ để quân sự hóa khu vực, vượt xa mức cần thiết để bảo vệ các đảo. Các cơ sở trên đảo phi pháp có thể giúp Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ hiện đại, tên lửa phòng không, tên lửa hành trình bảo vệ bờ biển cũng như tăng cường sự hiện diện cho các tàu hải quân và hải cảnh cỡ lớn”, Clapper cho biết.
Bản đánh giá nhận định với các cơ sở ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ có sức mạnh tấn công đáng kể trong khu vực trong năm tới, điều đi ngược lại với tuyên bố hồi cuối năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Trong vài tháng qua, Trung Quốc luôn rêu rao tuyên bố ngừng các hoạt động bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đồng thời chỉ trang bị cho các thực thể này loại vũ khí đủ để phòng vệ. Tuy nhiên, thực tế không như những gì Trung Quốc tuyên bố.
Bản đánh giá cũng cho hay Trung Quốc tiếp tục các hoạt động bồi lấp sau tuyên bố ngừng xây dựng phi pháp trên Biển Đông của ông Vương Nghị hôm 5/8/2015. Cụ thể, các hoạt động trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tiếp tục diễn ra từ tháng 8 tới tháng 10 năm ngoái. Trong thời gian này, Trung Quốc bồi lấp được 100 mẫu đất.
Ngoài các thực thể chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn tiếp tục cải tạo khoảng 1.000 mẫu đất trên các thực thể khác ở khu vực xa xôi hơn. Với diện tích lớn đã bồi lấp cũng như dựa trên tốc độ và phạm vi xây dựng các công trình, Trung Quốc có khả năng triển khai các cơ sở quân sự phục vụ mục đích tấn công, phòng thủ cũng như hỗ trợ các tàu hải quân và hải cảnh từ năm 2016, ông Clapper nói.
Lính Trung Quốc tuần tra trên thực thể chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Việc Trung Quốc tăng cường hậu cần cho hải quân và hải cảnh gây ra sự quan ngại đặc biệt từ các nước láng giềng. Việc rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển trong mỗi lần tiếp tế nhu yếu phẩm cho phép các tàu công vụ của Trung Quốc dễ dàng thực thi yêu sách trong tranh chấp tài nguyên đối với các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có quyền khai thác thủy sản hay khoáng sản.
Trong năm 2014, Trung Quốc đã đưa nhiều tàu làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan Hải dương 981 khi đưa nó tiến vào khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam của Trung Quốc và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp, được sử dụng làm cơ sở cho các tàu lộng hành. Người ta lo ngại, các cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa sẽ đóng vai trò tương tự trong thời gian tới.
Theo Clapper, dù Trung Quốc chưa triển khai vũ khí hiện đại ở Trường Sa nhưng Trung Quốc đã hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng khả năng hoạt động của chúng. Máy bay chiến đấu thế hệ mới đủ điều kiện có thể xuất kích từ các cơ sở này. Khi chúng được hoàn thiện vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Trung Quốc sẽ nâng cao đáng kể khả năng tấn công trong khu vực.
Bản đánh giá mà người đứng đầu cơ quan tình báo Quốc gia Mỹ gửi cho Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện có sự góp ý của Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và được gửi tới Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Nó bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông.