Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hung hăng, hiếu chiến trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh Ảnh: Reuters |
Những phát biểu của ông Vương Nghị trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh cho thấy rõ một thực tế rằng sẽ không có chuyện Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông, dù quân đội Mỹ vừa triển khai tàu sân bay USS John C. Stennis tới khu vực. Trước các phóng viên Trung Quốc và quốc tế, ông Vương không ngừng đưa ra những luận điểm dối trá để biện minh cho tham vọng chủ quyền vô lý của Bắc Kinh.
Hãy thử điểm lại những gì ông Vương khẳng định hùng hồn sáng qua. “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thăm dò, đặt tên, phát triển và quản lý các đảo ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Các bậc tiền bối của chúng tôi đã làm rất cần cù tại đây trong nhiều thế hệ. Lịch sử sẽ chứng minh ai là khách, ai là chủ”. Nói trắng ra, ý của ông Vương là Trung Quốc có quyền kiểm soát Biển Đông vì là nước đầu tiên khám phá ra vùng biển này.
Sự thật là gì? Tất cả các bản đồ cổ của Trung Quốc và quốc tế đều thể hiện rõ ràng rằng đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của quốc gia này. Các “bằng chứng” mà Bắc Kinh đưa ra để khẳng định chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều là ngụy tạo, điển hình nhất là hành vi chôn bia giả ở Hoàng Sa. Nhà báo kỳ cựu Bill Hayton của hãng BBC từng phân tích rõ thủ đoạn này của Trung Quốc trong bài viết Fact, fiction and the South China Sea (Sự thật, hư cấu và Biển Đông) trên tờ Asia Sentinel hồi tháng 6/2015.
Các nhà khảo cổ cũng từng khẳng định cư dân Đông Nam Á đã hoạt động trên Biển Đông từ rất lâu trước Hán triều ở Trung Quốc. Việc ông Vương tuyên bố Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá Biển Đông thực chất là hành vi phủ nhận sự tồn tại của các bậc cổ nhân từng sinh sống ở Việt Nam, Philippines cũng như các nước Đông Nam Á khác, đã khám phá, đánh bắt trên Biển Đông.
Ông Vương mô tả Biển Đông “là một trong những tuyến hàng hải an toàn nhất thế giới”, có nghĩa là các hoạt động bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc không ảnh hưởng tới tự do hàng hải như Mỹ và các nước khu vực cáo buộc. Có đúng vậy không? Trên thực tế, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Hải quân Trung Quốc đang cản trở tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Hồi tháng 12/2015, đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), cho biết Hải quân Trung Quốc thường xuyên phát tín hiệu cảnh báo và đe dọa nhắm vào các tàu và máy bay di chuyển gần các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây trái phép trên Biển Đông. Hàng loạt tàu thương mại đi lại hợp pháp trên Biển Đông bị buộc phải đổi hướng sau khi đi vào các vùng nước mà Trung Quốc gọi là “vùng quân sự”. Đây là hành vi hoàn toàn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.
Ông Vương nói rằng Trung Quốc không “quân sự hóa” Biển Đông và các cơ sở nước này xây trên Biển Đông mang tính chất phòng thủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua Bắc Kinh đã thành lập tam giác chiến lược là tên lửa phòng không và máy bay chiến đấu ở quần đảo Hoàng Sa, tàu ngầm chiến đấu ở đảo Hải Nam và hệ thống radar do thám, đường băng đón máy bay chiến đấu ở các đảo nhân tạo thuộc Trường Sa.
Như vậy Trung Quốc đã triển khai gần hoàn thiện hệ thống khí tài để thực hiện chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” trên Biển Đông. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang từng bước kiểm soát thực tế Biển Đông, “cướp đoạt trắng trợn trái tim hàng hải của Đông Nam Á” như giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia từng mô tả. Mục tiêu tối hậu là mở rộng lãnh thổ cực nam của Trung Quốc tới tận quần đảo Trường Sa bằng vũ lực và sự đe dọa.
Không chỉ vậy, giáo sư Carl Thayer cho rằng những phát biểu của ông Vương Nghị cho thấy Trung Quốc tự coi nước mình đứng trên luật pháp quốc tế, chỉ có Trung Quốc mới có quyền xác định cái gì là hợp pháp. Nói cách khác, Trung Quốc vừa muốn đá bóng, vừa muốn thổi còi trên Biển Đông và các nước phải chấp nhận điều đó.
Những cảnh báo liên tục của các lãnh đạo quân sự Mỹ thời gian qua, phản ứng mạnh mẽ của Nhật, Australia và các quốc gia Đông Nam Á cho thấy cộng đồng quốc tế hiểu rõ ý đồ thâm độc của Trung Quốc. Những lời lẽ “lập lờ đánh lận con đen” của ông Vương Nghị chắc chắn không lừa được ai. Đó đơn giản chỉ là cơ hội để báo chí Trung Quốc được dịp hừng hào và Bắc Kinh tiếp tục kích động của dư luận trong nước mà thôi.